Văn Lâm nỗ lực triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”

Văn Lâm là huyện tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có đường quốc lộ 5A và tuyến đường sắt Hà - Hải chạy qua; nằm trong khu vực công nghiệp trọng điểm Phố Nối - Như Quỳnh, tốc độ đầu tư và đô thị hóa nhanh. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 900 dự án trong và ngoài nước đầu tư đi vào hoạt động. Đây là điều kiện thuận lợi và cơ hội để huyện nhà đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đồng thời thu hút lao động, tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng và các địa phương lân cận. Bên cạnh đó huyện còn có 1 trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh với 2 cơ sở đào tạo, 1 trường Cao đẳng ASEAN và 2 trường đào tạo nghề (Trường Châu Hưng và Á Châu). Do vậy công tác đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn huyện cũng có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Tổng số trên địa bàn huyện tính đến tháng 12 năm 2022 có 37.866 hộ, với 136.971 nhân khẩu, trong đó từ 14 tuổi trở lên là 103.499 nhân khẩu. Số hộ thường trú là 34.529 hộ với 128.860 nhân khẩu . Số tạm trú là 3.455 hộ với 9.607 nhân khẩu.

Để thực hiện tốt Quyết định số 06/QĐ-Ttg ngày 06/1/2022 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án số 06). UBND huyện Văn Lâm đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; ban hành các quyết định về thành lập Tổ công tác triển khai Đề án  số 06 và Quyết định về thành lập Tổ giúp việc triển khai Đề án số 06 của huyện. Đã thành lập được 92 tổ công tác Đề án 06 gồm 1 tổ Đề án 06 của huyện với 16 thành viên; tổ công tác Đề án 06 các xã, thị trấn 11/11 tổ với 121 thành viên; tổ công tác Đề án 06 thôn, tổ dân phố 80/80 tổ với 400 thành viên.

Nhằm góp phần tạo nền móng cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn huyện đạt kết quả cao; đảm bảo an toàn thông tin, cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng vào cuộc, đồng loạt tiến hành triển khai thực hiện. Đặc biệt chú trọng vào 05 nhóm tiện ích trong thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ đó là: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Kết quả, trong năm 2022 toàn huyện đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, nhất là việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tiếp nhận giải quyết hồ sơ trên cổng dịch vụ công và trả kết quả đúng quy định. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền 25 dịch vụ công thiết yếu bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, dán niêm yết pa nô áp phích tại các trụ sở tiếp dân từ huyện đến cơ sở. Đã triển khai tổng số thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công: Đối với ngành Công an là 12.490 thủ tục; Văn hóa Thông tin 4 thủ tục; Tư pháp 23 thủ tục; Bảo hiểm xã hội 9 thủ tục; Lao động thương binh và xã hội 34 thủ tục; Giao thông vận tải 10 thủ tục; Tài nguyên môi trường 4 thủ tục; Đất đai 8 thủ tục; Phòng kinh tế hạ tầng 50 thủ tục.

Việc số hóa Sổ hộ tịch đang được Sở Tư pháp triển khai, bước đầu đã thực hiện xong việc thu thập, scan Sổ hộ tịch và tạo lập các File dữ liệu hộ tịch dưới dạng File Excel từ các Sổ hộ tịch gốc.

Công tác làm sạch dữ liệu: Đã thực hiện rà soát, đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu hộ tịch với dữ liệu dân cư; rà soát, đối chiếu, cập nhật, đồng bộ giữa dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu dân cư.

Đã chỉ đạo Công an các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt công tác làm sạch dữ liệu thông tin dân cư, đảm bảo thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ xác thực chính xác thông tin khi kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch dân sự và giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển công dân số theo yêu cầu của Đề án 06. Đến nay đã có 458 trường hợp sử dụng thẻ bảo hiểm xã hội phục vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, bệnh viện.

Bên cạnh đó, Công an huyện cũng đã triển khai việc ứng dụng căn cước công dân gắn chíp, định danh điện tử giúp thông tin của người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước công dân và trao đổi với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thống nhất, quản lý. Thông tin có độ chính xác cao, có ảnh chân dung, vân tay lăn và các thông tin cơ bản của công dân góp phần phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, truy nguyên các thông tin như: Truy tìm tung tích nạn nhân, mất tích, chết không rõ nguyên nhân, nhận diện khuôn mặt, đối sánh vân tay, quản lý danh sách đối tượng theo quy định; phục vụ cơ quan điều tra thực thi các hoạt động điều tra, truy xét theo quy định một cách nhanh chóng, chính xác.

Việc xây dựng hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân được thực hiện tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiện đại từ Trung ương tới Công an các địa phương và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên thông tin của công dân thường xuyên được thu thập, cập nhật, khai thác, chia sẻ. Do đó khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân rất thuận tiện, công dân có thể đến bất cứ điểm tiếp dân nào của cơ quan Công an cũng có thể thực hiện việc cấp căn cước công dân mà không nhất thiết phải về nơi đăng ký thường trú. Đồng thời triển khai các dịch vụ công trực tuyến cấp căn cước công dân; cấp giấy xác nhận số chứng minh nhân dân trực tuyến, cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử. Điều này không chỉ giảm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp, mà còn đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Ngoài ra, lực lượng Công an thường xuyên phối hợp các cơ quan, ban ngành thực hiện công tác làm sạch các dữ liệu như dữ liệu tiêm chủng, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội..

Có thể nói, việc triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 trong năm 2022 trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo hiệu quả công tác an sinh xã hội, giúp công tác quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm chi phí thời gian công sức cho người dân và doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện thuận lợi phục vụ cho các em học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển vào lớp 10. Cùng với việc ưu tiên cấp căn cước công dân cho học sinh, trong thời gian tới huyện chỉ đạo tiếp tục tiến hành đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử cho tất cả công dân đảm bảo đủ điều kiện từ 14 tuổi trở lên trên địa bàn huyện. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình triển khai thành công Đề án số 06 của Chính Phủ về ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ mục tiêu chuyển đổi số Quốc gia, xây dựng Chính phủ số trong thời gian tới. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý hành chính nhà nước phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thanh Huyền - TTVH&TT

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
17 người đang online