Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp"

Ngày 30/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1155/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp".

Theo Quyết định, mục tiêu tổng quát của Đề án là khẳng định vị trí, chức năng của Học viện Tư pháp là trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu. Đến năm 2030, Học viện Tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn, có uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ở Việt Nam và có vị trí trong khu vực.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025:

+ Về chỉ tiêu đào tạo: Đào tạo nghề luật sư: 2.000 người/năm, trong đó đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế: 100 - 150 người/năm, đào tạo nghề luật sư chất lượng cao: 120 - 200 người/năm; Đào tạo nghề công chứng: 1.000 người/năm, trong đó đào tạo nghề công chứng chất lượng cao: 100 - 150 người/năm; Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư: 200 người/năm; Đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự: 150 người/năm; Đào tạo nghề đấu giá: 100 người/năm; Đào tạo nghề thừa phát lại: 100 người/năm.Thí điểm đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại: Từ năm 2023 đến năm 2025 mỗi năm 50 - 60 người.

+ Về chỉ tiêu bồi dưỡng: Bồi dưỡng cho luật sư: 300 người/năm; Bồi dưỡng cho công chứng viên: 300 người/năm; Bồi dưỡng cho thừa phát lại: 50 người/năm; Bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án cho kế toán nghiệp vụ thi hành án: 100 người/năm; Bồi dưỡng cho công chức tư pháp - hộ tịch: 200 người/năm; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức: 1.150 người/năm; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức: 50 người/năm; Bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý: 500 người/năm; Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm: 1.600 người/năm; Bồi dưỡng kiến thức và nâng cao kỹ năng áp dụng pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước: 1.000 người/năm; Bồi dưỡng tiếng Anh pháp lý cho các chức danh tư pháp, công chức, viên chức và theo nhu cầu xã hội: 100 - 150 người/năm; Nghiên cứu mở rộng bồi dưỡng trọng tài viên thương mại, hòa giải viên thương mại và các chức danh bổ trợ tư pháp khác.

+ Về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng:

- Xây dựng mới 05 chương trình đào tạo, xây dựng mới và chỉnh sửa 16 chương trình bồi dưỡng; phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế theo hướng tiếp cận năng lực, bảo đảm liên thông các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong nội bộ Học viện Tư pháp, giữa Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo luật và nghề luật khác.

- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống học liệu đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được nhu cầu dạy - học theo phương thức trực tiếp, phương thức trực tuyến (E - Learning) và phương thức kết hợp (Blended - Learning), phù hợp với yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phấn đấu đến năm 2025 số hóa được 50% bài giảng và 70% giáo trình, hồ sơ tình huống của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp.

Áp dụng các phương pháp dạy - học tiên tiến, hiện đại gắn với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

- Phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu lên 85 giảng viên, trong đó giảng viên đã từng có chức danh tư pháp đạt khoảng 20% so với tổng số giảng viên cơ hữu. Chuẩn hóa đội ngũ giảng viên thỉnh giảng trên cơ sở rà soát, chọn lọc những giảng viên giỏi, có uy tín, kinh nghiệm; đồng thời, xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng phương pháp sư phạm cho đội ngũ giảng viên thỉnh giảng.

- Hoàn thiện bộ công cụ kiểm soát, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp. Từ năm 2022 đến năm 2025 tổ chức tự đánh giá trong nội bộ Học viện Tư pháp để làm cơ sở tự điều chỉnh, phát triển.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp và cán bộ làm công tác pháp luật.

+ Về xây dựng thể chế: Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế.

+ Về hợp tác quốc tế: Tiếp tục củng cố các mối quan hệ hợp tác quốc tế sẵn có, chủ động kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học của các nước trong và ngoài khu vực và các tổ chức quốc tế khác; tăng cường trao đổi, học tập công nghệ đào tạo tiên tiến, hiện đại.

+ Về cơ sở vật chất: Phát triển cơ sở vật chất hiện có đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của xã hội, từng bước xúc tiến việc xây dựng mô hình trường học thông minh với hệ thống quản trị hiện đại, đáp ứng linh hoạt nhu cầu học tập mọi lúc mọi nơi của người học.

Ngoài ra, Quyết định cũng quy định cụ thể kinh phí và tổ chức thực hiện Đề án.


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
74 người đang online