Thị trấn Như Quỳnh xây dựng, nhân rộng các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2021

Thị trấn Như Quỳnh có diện tích tự nhiên 706ha, đất canh tác 203 ha; dân số 17.227 người, gồm 5 thôn và 1 phố. Tổng số 4.785 hộ. Là địa phương có vị trí địa lý rất thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Ngay từ đầu năm,  BCH Đảng bộ Thị trấn Như Quỳnh đã xây dựng Nghị quyết hằng tháng, tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện mục tiêu kép “Vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế- xã hội”. Trong đó chú trọng tới việc xây dựng, nhân rộng các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Theo đó các chi bộ nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực áp dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm diện tích hoang hóa, gieo trồng kịp thời vụ, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm đã đề ra.

Tổng diện tích gieo, trồng là 143ha; Diện tích cấy lúa vụ chiêm xuân 35 ha (tăng 25 ha so với cùng kỳ năm 2020), năng suất lúa bình quân vụ chiêm 200kg/sào. Diện tích cây rau màu vụ đông xuân 36 ha (giảm 34 ha so với cùng kỳ 2020 do diện tích nằm trong dự án Hoàng Vương); diện tích trồng cây ăn quả 72 ha. Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả giá trị kinh tế cao. Cùng với đó Thị trấn đã chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” về nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn, tiêu biểu như mô hình trồng bưởi của hộ gia đình ông Nguyễn Sinh Bình ở thôn Ngô Xuyên. Trước đây gia đình ông trồng 04 sào bưởi, 01 mẫu cam canh, 03 sào nhãn. Trong quá trình chăm sóc, theo dõi cho thấy trồng và chăm sóc cam canh khó hơn, hiệu quả không cao. Sau khi tìm hiểu thị trường và học hỏi kinh nghiệm, gia đình ông đã quyết tâm chuyển đổi sang trồng bưởi siêu ngọt, hiện nay đã cho thu hoạch, thu nhập ổn định từ 160 triệu đến 180 triệu đồng/năm. Hay như mô hình trồng lúa của Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp thị trấn được triển khai năm 2020, trên diện tích gần 25ha, trước đây là diện tích hoang hóa tại khu vực đồng Sóc, đồng Cờn thôn Hành Lạc, qua vụ đầu sản xuất cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Qua kiểm tra, rà soát cho thấy hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng ở khu vực này gặp nhiều khó khăn; việc sản xuất nông nghiệp cấy lúa gặp nhiều rủi ro từ thời tiết, dịch bệnh. Từ thực tiễn đó, HTX đã chủ động đề xuất, trích nguồn kinh phí hoạt động để cải tạo, gia cố hệ thống kênh mương, bờ thửa, sau đó thực hiện vận động người dân trên địa bàn thôn Hành Lạc đăng ký tham gia gieo cấy trên diện tích đất này. Được sự quan tâm, hỗ trợ về hạ tầng, giống, các thuốc phòng trừ sâu bệnh của phòng Nông nghiệp, Hội nông dân huyện và Đảng ủy – UBND thị trấn, đã có một số hộ đăng ký tham gia và đến vụ Chiêm năm 2021, các hộ đã gieo cấy đạt 25ha trên diện tích đất ruộng bỏ hoang tại thôn Hành Lạc.

Từ các mô hình điển hình đó đã tạo niềm tin và khuyến khích có thêm nhiều hộ dân mở rộng quy mô, đầu tư sản xuất trong vụ mùa góp phần giảm tỷ lệ hoang hóa trên địa bàn.

Thanh Huyền - Đài truyền thanh