Chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số có tác động tích cực đến phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, tạo động lực cho các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng doanh thu và thu nhập, từ đó tạo động lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 140 sản phẩm của 51 chủ thể sản xuất được UBND tỉnh quyết định công nhận sản là sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, nhất là hợp tác xã từng bước được củng cố, phát triển, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường; từng bước hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất ở nông thôn đến thị trường tiêu thụ; giá trị thương hiệu của các sản phẩm OCOP từng bước được nâng cao.

Để chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt hiệu quả, thời gian qua, bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống trưng bày, tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng, siêu thị và nhà phân phối, các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang từng bước ứng dụng chuyển đổi số, chủ động đưa sản phẩm của mình giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch TMĐT hoặc thông qua các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Qua đó, người tiêu dùng mọi miền đất nước sẽ biết đến sản phẩm OCOP nói riêng, các sản phẩm đặc trưng và là thế mạnh của Hưng Yên và có thể đặt mua ở mọi lúc, mọi nơi. Việc tham gia các sàn TMĐT không chỉ giúp các chủ thể sản xuất quảng bá rộng rãi, tăng số lượng đơn hàng và doanh thu mà còn giúp các chủ thể sản xuất tìm kiếm thị trường và mở rộng các kênh tiêu thụ, qua đó phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm OCOP của Hưng Yên lên các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, sản phẩm OCOP Hưng Yên thông qua mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới”. Trong số 140 sản phẩm OCOP được công nhận, đã có trên 100 sản phẩm tham gia các sàn TMĐT như Postmart.vn, Voso.vn, Shopee.vn và các trang thông tin điện tử: ketnoiocop.vn; ocophungyen.vn,... Ngoài ra, các chủ thể sản xuất cũng tích cực tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua hình thức bán hàng online, livestream trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, fanpage,...Khi các sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT, các chủ thể sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng thông qua các giải pháp công nghệ. Thay vì ghi chép quy chuẩn, quy trình sản xuất... theo hình thức thủ công sẽ được thay thế bằng nhật ký điện tử, sau đó trích xuất ra tem truy xuất thông minh và tem truy xuất thông minh có thể truy xuất đến từng công đoạn sản xuất thay cho tem bình thường chỉ truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Việc ứng dụng chuyển đổi số và tham gia TMĐT, các chủ thể sản xuất sẽ được cung cấp các thông tin hữu ích như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, thức ăn, phân bón,...đồng thời giúp các chủ thể sản xuất lựa chọn các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp.

Nhằm hỗ trợ các chủ thể sản xuất ứng dụng chuyển đổi số phát triển TMĐT  để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các chủ thể sản xuất phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng an toàn hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện quy trình sản xuất theo hướng VietGap, GlobalGap, Organic; hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia xúc tiến thương mại; tổ chức trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, đồng thời hỗ trợ, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch TMĐT giúp các chủ thể sản xuất có thêm kênh thông tin giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trực tiếp, trực tuyến về ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên cho cán bộ quản lý các cấp và các chủ thể sản xuất để nâng cao kiến thức về kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm OCOP, nông nghiệp lên sàn TMĐT và đăng ký sử dụng, thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch; hướng dẫn về quy trình đóng gói - kết nối - giao dịch các sản phẩm khi tham gia các sàn TMĐT.

Xác định, Chương trình OCOP là một chính sách trọng tâm, giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, để thúc đẩy hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia chương trình có hiệu quả hơn, đồng thời để sản phẩm OCOP của Hưng Yên tiếp tục được “lan tỏa” và vươn xa khắp thị trường trong nước và quốc tế, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên; đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số; kỹ năng bán hàng online, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên sàn TMĐT; khuyến khích các chủ thể sản xuất tăng cường sử dụng phần mềm để số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng dụng tự động hoá các hoạt động trong chuỗi giá trị thực phẩm nông sản, từng bước đầu tư các thiết bị thông minh, tự động như các thiết bị cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, máy bay không người lái, robot…; phấn đấu 100% chủ thể sản xuất có sản phẩm OCOP được công nhận được đào tạo kỹ thuật số, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử...

 

sotttt.hungyen.gov.vn