Chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập huyện Văn Lâm (1/9/1999 - 1/9/2024) Những kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính
Sau 25 năm tái lập, Công tác cải cách hành chính của huyện nhà đã được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện đạt được kết quả khá toàn diện với 6 nội dung đó là: Cải cách thủ tục hành chính; cải cách thể chế; cải cách công vụ; cải cách tài chính; cải cách Tổ chức bộ máy hành chính công; xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số.
Page Content
Trong đó, thủ tục hành chính đảm bảo 100% tiếp nhận thông qua cổng dịch vụ công, chỉ đạo giải quyết đúng, trước hạn, thực hiện số hóa hồ sơ, thanh toán trực tuyến cũng như trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Qua đó tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, các xã, thị trấn được thực hiện tinh gọn, hiệu quả, chất lượng; kịp thời xây dựng các Đề án vị trí việc làm; sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm đã được phê duyệt; thực hiện tốt công tác thu, phân bổ dự toán ngân sách hàng năm, xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, công tác quyết toán ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật ngân sách; 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện đều có mạng cục bộ và kết nối Internet băng rộng cáp quang; triển khai, ứng dụng và phát triển các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ cho công tác điều hành, quản lý của các cơ quan nhà nước; xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và các hoạt động tiện tích khác theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số. Từ đó hình thành mô hình chính quyền điện tử, chính quyền số; 06 năm liền từ 2017-2022 huyện Văn Lâm được UBND tỉnh đánh giá, xếp loại là đơn vị Đứng thứ nhất về cải cách hành chính trong các huyện, thị xã và thành phố; năm 2023 đứng thứ 2 trong toàn tỉnh.
Cùng với đó, ngành tư pháp huyện 25 năm qua cũng đã triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả nổi bật. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thực hiện kịp thời, đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi. Việc tham gia ý kiến pháp lý với chính quyền các cấp trên địa bàn trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được đánh giá cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2000 không có địa phương nào đạt, đến nay đã có 11/11 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Thanh Huyền - TT VH&TT