Ngày 28/4, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Lâm tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả điều tra, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn huyện Văn Lâm” năm 2023. Dự tọa đàm có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Văn Cường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo 35 Huyện ủy; đồng chí Trịnh Như Áng - Nhà giáo ưu tú, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy; lãnh đạo các ban đảng của Huyện ủy; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; lãnh đạo các phòng, ngành, Hội, đoàn thể huyện; Bí thư, Phó Bí thư Đảng bộ các xã, thị trấn; Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy các xã, thị trấn; cán bộ phụ trách tuyên giáo một số tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy; cộng tác viên dư luận xã hội; đại diện một số bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy một số xã, thị trấn.
Việc điều tra, nắm bắt dư luận xã hội là một kênh thông tin rất quan trọng để các cấp ủy, chính quyền lắng nghe, nắm bắt tâm trạng xã hội, kịp thời điều chỉnh các chủ trương, chính sách cho phù hợp với thực tiễn và nguyên vọng của Nhân dân. Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Văn Lâm lần thứ XXV, ngành Tuyên giáo huyện Văn Lâm đã kịp thời triển khai các nhiệm vụ. Trong đó, nổi bật là tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Đề án về nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trên địa bàn huyện; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động điều tra, nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Chính trị huyện tích cực đổi mới trong phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức lý luận, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, cộng tác viên dư luận xã hội.
Tuy nhiên, công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội còn nhiều khó khăn, vướng mắc; vẫn còn một số cán bộ tuyên giáo, cộng tác viên dư luận xã hội thiếu nhạy bén và linh hoạt trong việc tham mưu với cấp ủy về việc nắm bắt, điều tra và định hướng dư luận xã hội… Một số cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị, các ngành, đoàn thể chưa quan tâm việc nắm bắt, định hướng dư luận xã hội…
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích thực trạng hoạt động, những kết quả đạt được, những tồn tại, yếu kém, những khó khăn, vướng mắc trong việc nắm bắt, điều tra, định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác điều tra, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội; thảo luận các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, nhất là công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội…
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, đồng chí Phạm Văn Cường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhấn mạnh:
“Để nâng cao chất lượng, hiệu quả định hướng DLXH trong năm 2023 và những năm tiếp theo tôi đề nghị hệ thống Tuyên giáo các cấp và lực lượng cộng tác viên từ huyện đến cơ sở, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 05 về “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trên địa bàn huyện Văn Lâm, giai đoạn 2020-2025”. Công tác dư luận xã hội phải gắn liền với công tác tư tưởng; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của chi, đảng bộ và của mỗi cán bộ, đảng viên.
Hai là, thường xuyên duy trì chế độ báo cáo, trao đổi thông tin hai chiều giữa huyện và cơ sở, phát hiện sớm những vấn đề gợn cộm, chủ động tham mưu và đề xuất với cấp ủy các giải pháp xử lý kịp thời, không để phát sinh các điểm nóng vấn đề nhạy cảm từ cơ sở.
Ba là, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ và hệ thống Tuyên giáo cơ sở cần nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, phối hợp, chủ động tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác dư luận xã hội; là đầu mối giúp cấp uỷ quản lý điều hành hoạt động của đội ngũ cộng tác viên. Phối hợp với UBND, các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, các tổ chức cơ sở đảng kịp thời nắm bắt, cung cấp thông tin giải đáp, định hướng dư luận xã hội; nắm chắc diễn biến tư tưởng, các thông tin dư luận xã hội, những điểm nóng, những bức xúc, nổi cộm mới phát sinh, kịp thời báo cáo lãnh đạo huyện để xử lý.
Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội, bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, hướng về cơ sở, hướng tới từng đối tượng cụ thể gắn với các sự kiện và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị...
Năm là, xây dựng, củng cố kiện toàn đội ngũ làm công tác dư luận xã hội, là những cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng; đặc biệt chú trọng cán bộ có trình độ chuyên môn về xã hội học, tâm lý học, có trình độ chính trị, hiểu biết toàn diện về các lĩnh vực, có trách nhiệm và khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, có khả năng đối thoại, thuyết phục, giải thích và định hướng thông tin đối với dư luận xã hội.
Sáu là, Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ động tham mưu giúp cấp ủy tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác dư luận xã hội nhằm trang bị kiến thức, nghiệp vụ cơ bản và kỹ năng trong công tác nắm bắt và định hướng tư tưởng dư luận xã hội. Khi cần thiết, tham mưu tiến hành điều tra thăm dò dư luận xã hội về một số vấn đề trong lĩnh vực kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bảy là, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ và hệ thống Tuyên giáo trong toàn huyện cần chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng và ban hành quy chế, quy định cụ thể về việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên nền tảng truyền thông xã hội để bảo đảm việc thực hiện thống nhất trong hệ thống chính trị của huyện; tạo sự đồng thuận cao giữa các cơ quan, đơn vị về nhận thức, phương pháp nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, tăng cường phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, minh bạch hóa thông tin, gia tăng tương tác giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân qua các kênh trực tuyến”.