Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang

Công văn về việc chỉ đạo tăng cường công tác thú y thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

Đăng ngày 25 - 03 - 2022
100%

 

Ngày 16/03/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 1549/BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo tăng cường công tác thú y thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện một số nội dung sau đây:

- Kiện toàn hệ thống thú y các cấp theo Điều 6 Luật Thú y và Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành "Đề án tăng cường năng lực cơ quan quản lý chuyên ngành ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030".

- Tổ chức rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền của địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí đủ kinh phí và nguồn lực để tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nội dung của "Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030" ban hành kèm theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 4117/BNN-TY ngày 01/7/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2022.

- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân và cơ quan chuyên môn thú y, thủy sản các cấp của địa phương:

+ Bố trí, phân công lực lượng thú y, thủy sản, đặc biệt tại các vùng nuôi thủy sản trọng điểm nhằm theo dõi, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh, hiện tượng thủy sản chết bất thường để thống kê, báo cáo chính xác thực trạng dịch bệnh; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định nguyên nhân, điều tra dịch tễ, tổng hợp, báo cáo theo đúng quy định; hướng dẫn các giải pháp xử lý cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

+ Tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát chủ động dịch bệnh, quan trắc môi trường để kịp thời cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp xử lý hiệu quả; tăng cường quản lý chất lượng nguồn nước cấp, hướng dẫn xử lý nước thải, chất thải, khử trùng tiêu độc kịp thời, không làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

+ Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi kết quả giám sát dịch bệnh và quan trắc môi trường giữa cơ quan quản lý thú y thủy sản và cơ quan quản lý nuôi thủy sản, đảm bảo thống nhất (i) tổng hợp, báo cáo hiện trạng sản xuất, nuôi và dịch bệnh;(ii) hướng dẫn người nuôi xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.

+ Tổ chức đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở chuỗi sản xuất thủy sản để xuất khẩu.

+ Tổ chức kiểm dịch chặt chẽ việc vận chuyển động vật thủy sản sử dụng làm giống theo quy định hiện hành, đảm bảo cung cấp thủy sản giống đạt chất lượng cho các thị trường trong và ngoài tỉnh; xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm.

+ Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin về nguy cơ tác hại của việc buôn bán, sử dụng thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học không đúng quy định; vận động người nuôi trồng thủy sản mua thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học ở những cơ sở kinh doanh có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành; hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản không sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng thủy sản; tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch, đặc biệt không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh cho động vật thủy sản nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh và giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác thú y thủy sản; chủ động thành lập các Đoàn công tác trực tiếp đến những địa bàn trọng điểm về nuôi trồng thủy sản để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu vụ nuôi; đặc biệt lưu ý những địa bàn có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh hoặc những khu vực thường xuyên xảy ra dịch bệnh, có thủy sản bị thiệt hại nhiều trong các vụ nuôi trước đây. Tổ chức kiểm tra, thanh tra tại cơ sở buôn bán thuốc thú y, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong việc kinh doanh, sử dụng thuốc thú y; lấy mẫu thuốc thú y để kiểm tra chất lượng.

- Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định của pháp luật về thú y; đặc biệt hướng dẫn người nuôi chủ động thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản và đẩy mạnh xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ và các địa phương thành lập các đoàn, tổ công tác kỹ thuật đến các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ trên.

Tin mới nhất

Thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tuyển dụng viên chức năm 2023(20/11/2023 2:12 CH)

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn(21/10/2022 1:57 CH)

Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ khó khăn cho hoạt động kinh doanh vận tải(21/10/2022 11:19 SA)

Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý(21/10/2022 10:45 SA)

Quy định mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao(18/10/2022 10:47 SA)

Công văn về việc tăng cường kiểm tra xử lý các dự án công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm...(15/10/2022 10:51 SA)

°
131 người đang online