Những vườn đào Hưng Yên sẵn sàng cho dịp Tết Mậu Tuất

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2018. Trên những cánh đồng trồng đào nổi tiếng ở thôn Ngọc Đà, xã Tân Quang (Văn Lâm), thôn Phú Đa, thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào), người nông dân đang tất bật với việc chăm sóc, cắt tỉa những cành đào để có hoa nở đều, có thế, dáng đẹp, độc, lạ đúng thời gian phục vụ cho thị trường Tết.

Hiện nay toàn thôn Ngọc Đà có khoảng 40 mẫu trồng đào, nhiều cây đào cổ thụ tuổi đời từ 5 - 20 năm được tạo dáng rất tài tình. Với màu sắc rực rỡ, thế đẹp, cây đào Ngọc Đà đã tạo được thương hiệu không chỉ ở Hưng Yên mà còn được người dân trong cả nước ưa chuộng. Đối với người dân thôn Ngọc Đà, trồng đào đã trở thành một nghề “hái ra tiền”, cây đào trở thành nguồn thu nhập có giá trị kinh tế lớn giúp nhiều hộ gia đình cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu.
 
Chúng tôi đến vườn đào của anh Phùng Việt Hưng, một trong những hộ có kinh nghiệm trồng đào lâu năm ở thôn Ngọc Đà. Vào thời điểm này, anh đã đưa đào lên chậu, tuốt lá, gò thế cây để hoa nở đều, đúng dịp Tết Nguyên đán.
 
Anh Phùng Việt Hưng phấn khởi cho biết: “Từ trung tuần tháng 10 âm lịch, tôi đã chuyển toàn bộ cây đào thế trồng lên chậu và từ 20.10 tôi tuốt hết lá để cây tập trung làm nụ chờ hoa. Nếu thời tiết lạnh, muốn hoa đào nở đều đúng dịp Tết, tôi phải thắp điện sưởi ấm cho cây suốt đêm. Với nhiều phương pháp chăm sóc, cây đào ở Ngọc Đà có thế uốn lượn tự nhiên, kích thước vừa phải, thân cây hơi xù xì, hoa nở đều, hương thơm thoang thoảng, pha lẫn lộc, được người chơi hoa đào ngày Tết ưa chuộng. Hiện tại, vườn đào của tôi rộng 4 sào với hơn 300 gốc, cây nào cũng đang ra nụ, đâm chồi, cây nào cũng phát triển đều và đẹp. Đào thế trong vườn nhà tôi đều có tuổi từ 5 - 20 năm, với những cây đào cổ thụ, thế đẹp, giá thuê sẽ từ 2 - 15 triệu đồng/cây”.
 
Ông Phùng Viết Đạt, Trưởng thôn Ngọc Đà cho biết: “Từ lâu, đào Ngọc Đà đã được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, mỗi dịp năm hết Tết đến, người trồng đào trong thôn không phải đem cây đi bán mà khách đến tận vườn để mua. Để nhân rộng, phát triển nghề trồng đào, bên cạnh việc mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng đào, huyện, xã cần có quy hoạch xây dựng thương hiệu vùng đào ở thôn Ngọc Đà”.
 
Đến thăm làng đào Phú Đa, thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào) những ngày giữa tháng 11 âm lịch, trên những vườn đào thế, người nông dân đang tất bật tỉa lộc lá. Theo lịch âm, năm 2017 nhuận thêm một tháng và thời tiết mùa đông năm nay lạnh sớm và nhiều hơn mọi năm nhưng người trồng đào Phú Đa vẫn tự tin với kinh nghiệm, kỹ thuật của mình để “điều khiển” hoa đào bung nở đúng dịp Tết đến xuân về. 
 
Ông Hà Sơn Bình có 4 sào trồng đào các loại, trong đó 100 cây đào lấy cành và 200 cây đào thế. Năm nay, từ đầu tháng 11 âm lịch, ông Bình đã tuốt lá đào. So với năm ngoái, năm nay, cây đào được ông tuốt lá muộn hơn 10 – 15 ngày. 
 
Ông Bình cho biết: “Đào cành thường dùng để cắm trên ban thờ ngày Tết nên tôi tuốt lá muộn hơn cây đào thế khoảng 1 tuần. Từ giờ đến Tết Nguyên đán nếu thời tiết cứ duy trì nền nhiệt độ trung bình từ 20 – 25 độ C như bây giờ thì không chỉ hoa đào nhà tôi mà cả làng đào Phú Đa đều nở đẹp”.
 
Hiện Phú Đa có trên 10 mẫu trồng đào, trong đó hộ trồng nhiều nhất trên 1 mẫu. Do có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc nên hoa đào tại Phú Đa rất đẹp, được thị trường ưa chuộng.
 
Một trong những “bí kíp” để “kích đào” ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán của người dân thôn Phú Đa là tiện gốc đào. Ông Vũ Mạnh Lộc là người có diện tích đào trên 1 mẫu và cũng là người có kinh nghiệm trồng đào lâu nhất thôn với gần 20 năm cho biết, việc tiện gốc giúp cây dồn sức vào nuôi “mắt đào”, thúc ra hoa. 
 
“Năm nay là năm nhuận nên thời điểm tiện gốc đào sẽ lùi lại một tháng so với năm ngoái, vào tháng 9 âm lịch. Theo đó, tôi dùng dao cắt bỏ một khoanh vỏ ở gốc cây, sau đó 1 tuần lá đào sẽ chuyển từ màu xanh đậm sang vàng nhạt và hơi rủ xuống. Sau khi bóc vỏ xong, tôi dùng túi nylon buộc chặt vết khoanh để nước mưa không đọng làm thối vỏ”, ông Lộc chia sẻ kỹ thuật tiện gốc đào. 
 
Khi bước sang tháng Chạp, người trồng đào phải căn cứ thời tiết để “thúc”, “hãm” đào nở đúng dịp. Nếu trời nắng ấm, người trồng đào tuyệt đối không tưới nước vì đào sẽ càng nở nhanh. Nếu trời quá lạnh, đào có nguy cơ “câm nụ”, người trồng đào Phú Đa sẽ tưới nước ấm khoảng 40 – 50 độ C vào quanh gốc đào để bảo đảm đủ nhiệt độ kích thích đào ra hoa đúng thời điểm.
 
Đào cây ở Phú Đa chủ yếu được người trồng cho thuê với mức giá dao động từ 2 - 8 triệu đồng/gốc. Trừ chi phí, mỗi sào trồng hoa đào cũng cho thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng/năm.
baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
42 người đang online