03/04/2014 | lượt xem: 12 Mô hình trường học mới ở Trường tiểu học Lạc Đạo A Trường tiểu học Lạc Đạo A (Văn Lâm) là trường đầu tiên của tỉnh Hưng Yên được chọn thực hiện thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN). Trải qua gần 2 năm học, mô hình trường học mới đã thực sự hấp dẫn giáo viên, học sinh, phụ huynh, khẳng định được thành công bước đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Khác với lớp học truyền thống là phải trật tự, yên lặng nghe giáo viên giảng bài, lớp học theo mô hình mới ở Trường tiểu học Lạc Đạo A lại khuyến khích giờ học ồn ào như... cái chợ. Khác với lớp học truyền thống là bàn học kê theo dãy hàng ngang, những lớp học thí điểm này kê bàn theo hình tròn. Khác với giáo viên các lớp chương trình giáo dục đại trà phải soạn giáo án, giáo viên các lớp thí điểm này không phải soạn giáo án, chỉ phải chuẩn bị các mẫu phiếu đánh giá cho học sinh. Đó là 3 điểm khác biệt dễ nhận thấy khi tham quan mô hình lớp học mới. Càng tìm hiểu thì càng thấy mô hình này có những khác biệt cơ bản về phương pháp giảng dạy nhằm đạt đến cái đích là nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức và hình thành các kỹ năng cho học sinh. Dẫn chúng tôi đi thăm các lớp học, thầy giáo Vũ Đức Huynh, hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN - viết tắt của cụm từ theo tiếng Tây Ban Nha là VietNam Escuela Nueva) là mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy học, cách đánh giá, cách tổ chức lớp học". Theo mô hình của trường học mới, quản lý lớp học là "Hội đồng tự quản học sinh", các "ban" trong lớp học do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. Lớp học được thiết kế cho học sinh ngồi thành từng nhóm gồm 6 em, các em hoạt động cá nhân, khi cần thiết có thể trao đổi trong nhóm. Sự thay đổi trong cách sắp xếp bàn ghế tạo ra sự thay đổi về vị trí chỗ ngồi, từ đó tạo ra sự thay đổi về tương tác học tập giữa học sinh với giáo viên. Ở mô hình này thực sự lấy học sinh làm nhân vật trung tâm trong quá trình học tập. Theo chỉ đạo của Bộ GD - ĐT và Sở GD - ĐT, Trường tiểu học Lạc Đạo A thực hiện mô hình trường học VNEN từ năm học 2012 -2013. Năm học 2013 - 2014 này trường có 5/20 lớp học (1 lớp 2; 2 lớp 3; 2 lớp 4) thực hiện mô hình thí điểm này. Cô giáo Nguyễn Thành Huế cho hay: "Tài liệu hướng dẫn học tập trong mô hình trường học mới này được gọi là "tài liệu 3 trong 1", vì thay thế 3 loại sách: Sách giáo khoa, sách giáo viên, vở bài tập. Chỉ cần một cuốn sách học sinh có thể tự học, tự làm bài; giáo viên hướng dẫn học sinh học tập; phụ huynh hướng dẫn con em mình ở nhà". Về thiết kế nội dung bài học, mỗi bài theo một vấn đề, mỗi vấn đề chia làm 3 bước: Bước đầu tiên là học sinh tự học để nắm kiến thức; bước thứ hai là học sinh vận dụng kiến thức để trả lời yêu cầu trong bài học; bước thứ ba là ứng dụng những kiến thức đó vào thực tế của nhà trường, của cộng đồng và gia đình. Nội dung chương trình học thiết kế như vậy nên đòi hỏi cao tính tự học của học sinh. Học sinh thoải mái trao đổi nội dung bài học với nhau, bàn bạc, giúp đỡ nhau giải câu hỏi, vì thế lớp học rất ồn ào. Trong quá trình học tập, khi có gì khó, không thể giải đáp được, học sinh sẽ yêu cầu sự trợ giúp từ giáo viên. Giáo viên quan sát từng học sinh, quan sát từng nhóm, kịp thời giảng giải và trợ giúp các em theo các bước trong tài liệu học tập. Chính vì thế, học sinh hiểu bài sâu, nhớ lâu các kiến thức được học tập. Để thực hiện mô hình trường học mới, giáo viên phải mạnh dạn từ bỏ những thói quen cũ trong tư duy, giảng dạy, đổi mới cách quan niệm về dạy và học. Giáo viên cần có các kỹ năng tổ chức, quản lý lớp học, giờ học theo hướng tích cực. Đây là những đổi mới phương pháp dạy học cơ bản đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực học hỏi. Mặc dù không phải soạn giáo án nhưng giáo viên phải nghiên cứu trước nội dung các bài học và chuẩn bị đồ dùng học tập cho học sinh rất mất thời gian. Cô giáo Trần Thị Nguyệt Hằng chia sẻ: "Ban đầu áp dụng phương pháp mới, tôi có đôi chút lúng túng, một thời gian sau thì cả giáo viên và học sinh đều quen và thích thú. Có thể khẳng định chương trình VNEN rất hay. Đầu tiên là học sinh được chủ động, sáng tạo trong việc học của mình. Các em được hoạt động theo nhóm rất vui vẻ. Từ khi triển khai mô hình này, tôi thấy sự tiến bộ rõ rệt đối với học sinh đó là các em mạnh dạn và tự tin hơn trong học tập. Việc tiếp xúc với bạn bè, thầy cô cũng như tham gia các hoạt động của lớp hăng hái, chủ động hơn". Phụ huynh Nguyễn Thị Lan, thôn Đồng Xá bày tỏ: “Lúc đầu cho con theo học mô hình này tôi cũng thấy lo lắng nhưng sau một thời gian thì hoàn toàn yên tâm. Bản thân tôi thấy con mình có ý thức tự học, mạnh dạn hơn trong các hoạt động với bạn bè, người thân". Mặc dù cách viết tài liệu học tập khác sách giáo khoa hiện hành nhưng nội dung sách bám sát chương trình chung của sách giáo khoa. Vì thế các kỳ kiểm tra, học sinh tham gia thi chung đề với học sinh học chương trình đại trà. Thầy hiệu trưởng Vũ Đức Huynh nhận xét: "Qua kết quả làm bài thi cho thấy, học sinh của chương trình thí điểm có phần tốt hơn học sinh đại trà. Đáng kể đến là mô hình trường học mới này phát huy được tính tích cực của học sinh, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, không khí lớp học thân thiện, sôi nổi, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nhiều bậc phụ huynh thấy chương trình học hay, đề nghị nhà trường mở rộng số lớp theo mô hình mới này cho con em học tập". Từ thành công của mô hình trường học mới VNEN ở Trường tiểu học Lạc Đạo A, năm học 2013 - 2014, Sở GD - ĐT chỉ đạo triển khai nhân rộng mô hình này. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đã có 87 trường tiểu học trong tỉnh áp dụng một phần mô hình trường học mới. Nhiều người kỳ vọng, mô hình trường học mới này tạo chuyển biến tích cực trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. baohungyen
Đồng chí Hoàng Thế Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thăm, chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại trường THCS CLC Dương Phúc Tư
Trường Mần non Lương Tài tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2024 và đón nhận cờ thi đua của UBND tỉnh Hưng Yên
Đồng chí Lê Thị Phương Loan, Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện dự Lễ Trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 7/11/2024 tại Đảng bộ xã Lương Tài
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội huyện Văn Lâm tiếp tục triển khai ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách
Đồng chí Phạm Văn Cường Phó Bí thư thường trực Huyện ủy dự Lễ Trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 3/2 và 19/5/2024 tại Đảng bộ xã Tân Quang