28/12/2022 | lượt xem: 25 Kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022 Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, Mạng đã kết nối đến 100% huyện; 100% xã trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Sơ kết 01 năm triển khai Đề án 06 và Tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022. Nguồn: VGP Về Nhận thức số: có 30/30 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã lựa chọn ngày Chuyển đổi số, trong đó có 03 bộ, ngành và 05 địa phương chọn ngày Chuyển đổi số riêng. Ngày 10/10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 với sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tham dự và phát biểu Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Chương trình "Tháng 10 – Tháng tiêu dùng số" để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, hướng tới để người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số; để doanh nghiệp công nghệ số được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng. 59 doanh nghiệp tham gia Chương trình đã có chính sách ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp và công bố 72 bài toán chuyển đổi số của các bộ, ngành và địa phương tại địa chỉ: https://c63.mic.gov.vn và đưa các bài toán chuyển đổi số này thành đầu bài trong Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia – Viet Solutions năm 2022. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp và công bố 21 câu chuyện chuyển đổi số Việt Nam từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để lan toả những sáng kiến, cách làm, kinh nghiệm, bài học, mô hình tham khảo về chuyển đổi số tại địa chỉ: https://t63.mic.gov.vn/, đồng thời nâng cấp Cổng thông tin điện tử để các bộ, ngành, địa phương có thể chủ động đăng tải, chia sẻ câu chuyện, bài học chuyển đổi số thành công của cơ quan. Bộ đang tiếp tục tổng hợp, biên soạn và sẽ xuất bản các câu chuyện chuyển đổi số tiêu biểu trên mọi miền đất nước trong năm 2022 để tiếp tục nhân rộng các bài học thành công trong năm 2023. Kênh truyền thông "Chuyển đổi số quốc gia" trên Zalo: Kênh cập nhật hàng ngày thông tin mới nhất về chuyển đổi số phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, tổ công nghệ số cộng đồng (chính sách, pháp luật, bài toán, sáng kiến, cách làm) đã thu hút được hơn 125.000 người theo dõi kênh. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tìm kiếm được mẫu biểu trưng nhận diện Chuyển đổi số quốc gia được chọn lọc từ 334 tác phẩm dự thi (trong đó có 146 tác phẩm được nộp theo hình thức trực tuyến). Qua đó đã lựa chọn được Biểu trưng có hình ảnh như một vòng tròn được hợp thành bởi 3 cánh ôm trọn với ba ý nghĩa: Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm và động lực, người dân nằm ở trung tâm, là động lực được thúc đẩy bởi 3 cánh là 3 trụ cột trong chuyển đổi số gồm chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; Chuyển đổi số khi lấy người dân làm trung tâm cần phát triển 3 khía cạnh là chỉ ra cho người dân nhận thức đúng, thúc đẩy kỹ năng số cho người dân và tạo ra bộ công cụ phù hợp cho người dân trong thời đại số; Các cánh trên biểu trưng tạo thành hình tròn để thể hiện được việc chuyển đổi số cần được thực hiện liên tục và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình và điểm nhấn ở giữa là đại diện cho những người đứng đầu sẽ là người chỉ đạo, định hướng và dẫn dắt chuyển đổi số. Về Thể chế số: 22/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm và kế hoạch hành động năm 2022. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm và kế hoạch năm 2022. Về Hạ tầng số: Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 79,95 Mbps, tăng 29,60% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 45 và cao hơn mặt bằng chung của thế giới là 71,39 Mbps. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 39,48 Mbps, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021), xếp thứ 52 và cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới là 33,17 Mbps. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.152 thôn bản (toàn quốc đạt 99,73% thôn bản đã có sóng, tăng 1,9% so với đầu năm 2021), còn lại 266 thôn chưa phủ sóng được do một số thôn chưa có điện, dân cư thưa, địa hình khó khăn. Thực hiện bàn giao máy tính và chuyển kinh phí cho các tỉnh tương đương với 503.249 trong tổng số 600.000 máy huy động từ các nguồn xã hội hóa triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Số thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt 2.659.719 thuê bao, tăng gấp hơn 7,3 lần so với năm 2021 (362.721 thuê bao). Về Nền tảng số: Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. 63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 01 nền tảng số. 43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 lồng ghép trong kế hoạch chuyển đổi số; 11/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 bằng một văn bản riêng của UBND tỉnh, thành phố. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức khóa bồi dưỡng trực tuyến về Cách tiếp cận nền tảng trong chuyển đổi số cho hơn 3.257 công chức, viên chức của đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương. Về Nhân lực số: 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 46/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 146). 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 68.933 Tổ Công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 320.000 thành viên tham gia. Bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 4.839 lượt công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương và 28.989 lãnh đạo UBND cấp xã trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến tháng 12/2022 có 27.768 cán bộ, công chức, viên chức đã hoàn thành các khóa học, vượt mục tiêu bồi dưỡng 10.000 cán bộ, công chức, viên chức đề ra trong năm 2022, Nền tảng học trực tuyến mở đại trà có hơn 16 triệu lượt truy cập. Trong tháng 09/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp công nghệ số và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức phổ biến, tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho 255.545 thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng tại 58/63 địa phương (Hà Nội, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình dự kiến tổ chức trong năm 2023). Về An toàn, an ninh mạng: Năm 2022, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 12.195 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (4.491 cuộc Phishing, 1.711 cuộc Deface, 5.993 cuộc Malware), tăng 25,3% so với năm 2021 (9.729 cuộc). Tính đến tháng 12/2022, tổng số hệ thống thông tin của cả nước là 3.086, trong đó số hệ thống thông tin được phê duyệt là 1.732 hệ thống. Doanh thu năm 2022 đạt 3.319,3 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021. Về Chính phủ số Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước: Kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, Mạng đã kết nối đến 100% huyện; 100% xã trên toàn quốc. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP): Tiếp tục phát huy hiệu quả để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. NDXP đã kết nối với hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; 09 Cơ sở dữ liệu trong đó có 03 CSDL ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển CPĐT: dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm), 13 hệ thống thông tin của các bộ, ngành, doanh nghiệp để chia sẻ dữ liệu. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong năm 2022 đạt khoảng 860 triệu giao dịch, gấp hơn 4,8 lần so với cả năm 2021 (đạt khoảng 180 triệu). Trung bình hàng ngày có khoảng 2,36 triệu giao dịch thông qua NDXP. Phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL): CSDL quốc gia về dân cư: Được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tích hợp thử nghiệm về mặt kỹ thuật, giải pháp đối với việc xác thực danh tính qua thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử được trang bị tại các quầy giao dịch của 05 Ngân hàng (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, PVcombank); triển khai thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại một số chi nhánh của 03 ngân hàng lớn (BIDV, Vietinbank, Vietcombank) tại thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh; tính đến ngày 28/11/2022, có thể sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh ở 11.923/13.506 cơ sở khám chữa bệnh (đạt tỷ lệ 91,32%); kết nối chính thức với 12 bộ, ngành và 25 địa phương để làm giàu dữ liệu, đồng bộ thông tin với dữ liệu dân cư, 04 doanh nghiệp nhà nước; kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) của 03 doanh nghiệp viễn thông lớn (VNPT, Viettel, Mobiphone) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực 63,4 triệu dữ liệu người dùng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác. CSDL quốc gia về Bảo hiểm: Quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân. CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Có khoảng 28 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; trên 6 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 4 triệu dữ liệu đăng ký khai tử. CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp: Bao gồm thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 01 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tỷ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 80%, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến là 52,80%, vượt chỉ tiêu đề ra năm 2022 (50%). Cổng dịch vụ công quốc gia: Trong 11 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 63 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,62 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,75 nghìn tỷ đồng. Từ khi khai trương (11/2019) đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.250 dịch vụ công trực tuyến; hơn 1 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 152 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 3,88 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3,45 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2022, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an phát huy vai trò tham mưu tổng hợp và cơ quan thường trực trong thúc đẩy triển khai Đề án 06, đây là bước đột phá trong chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, đã triển khai tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu trên Công dịch vụ công quốc gia; tái cấu trúc quy trình và phối hợp triển khai phần mềm liên thông 02 nhóm dịch vụ công; tăng cường số hóa hồ sơ, tài liệu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của bộ, ngành, địa phương. Triển khai các ứng dụng quy mô quốc gia: Trục liên thông văn bản quốc gia: Trong 11 tháng đầu năm 2022, đã có trên 5,8 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, lũy kế đến nay có hơn 16,6 triệu văn bản gửi, nhận trên hệ thống, trung bình khoảng 550.000 văn bản/tháng. 98% các cơ quan đã gửi, nhận văn bản điện tử và 70% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số cá nhân. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet): Trong 11 tháng đầu năm 2022 đã phục vụ 20 hội nghị, phiên họp Chính phủ và xử lý 409 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Lũy kế đến nay, Hệ thống đã phục vụ 64 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.417 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 500 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: Do Văn phòng Chính phủ triển khai đang được khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu. 45 bộ, cơ quan, địa phương đã xây dựng và đưa vào vận hành phân hệ theo dõi nhiệm vụ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Báo cáo điện tử được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin báo cáo để hình thành nguồn thông tin, dữ liệu số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Đến nay, đã có 69/179 chế độ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Hiện nay đã kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương để cung cấp thông tin, dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực với 210 chỉ tiêu thông tin trực tuyến. Từng bước hình thành 04 bộ chỉ số điều hành; thống kê; theo dõi, giám sát; kinh tế - xã hội địa phương (với tần suất dữ liệu theo ngày, hàng tháng, quý và năm, giai đoạn 2010 - 2022). Cung cấp ấn phẩm đồ họa thông tin (infographic) về tình hình kinh tế - xã hội phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng. Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công và Cổng tham vấn và tra cứu quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh: Đã được đưa vào vận hành, đây là công cụ phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đánh giá nỗ lực cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và chất lượng giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, góp phần nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch, kiểm soát thực thi "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay. Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã được xây dựng, đưa vào vận hành; là công cụ phục vụ chỉ đạo, điều hành trong cải cách, đánh giá nỗ lực của các bộ, ngành với 03 nhóm chỉ số thành phần, góp phần nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Đến nay, đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh; giúp Chính phủ đánh giá nỗ lực cải cách của từng bộ, ngành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực. Đồng thời, dự thảo Quyết định quy định về Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã được Bộ Tư pháp thẩm định và hiện nay Văn phòng Chính phủ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Tiếp tục xây dựng và triển khai thí điểm Trợ lý ảo nhằm hỗ trợ công chức, viên chức, người lao động trong công việc tại Bộ Thông tin và Truyền thông và Tòa án nhân dân tối cao, trước mắt tập trung vào hỏi đáp quy định trong văn bản pháp luật và hỏi đáp các tình huống quản lý nhà nước. Về Kinh tế số: Theo Báo cáo E-conomy SEA 2022, tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ thương mại điện tử, giao hàng, giao đồ ăn và vận chuyển; du lịch trực tuyến và phương tiện điện tử trực tuyến đã ước đạt 23 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2021. Ước tính sơ bộ năm 2022, tỷ trọng kinh tế số ước đạt 14,26% GDP. Tỷ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đến hết năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng gần 6.200 doanh nghiệp so với tháng 12/2021. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số bằng các nền tảng số Việt Nam đã có 671.469 doanh nghiệp tiếp cận, tham gia; 73.058 doanh nghiệp đã sử dụng nền tảng số SMEdx. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 dự báo đạt 7,5%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử ước đạt 50%; Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 66%. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử là 100%. Có 02/22 bộ, ngành, 28/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; 26/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế; 30/63 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Về Xã hội số: Tổng số lượt tải mới các ứng dụng di động đạt 3,23 tỷ lượt, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số 09 toàn cầu về số lượt tải mới ứng dụng di động. Tổng số lượng người dùng thường xuyên các nền tảng Việt chiếm khoảng hơn 20% so với số lượng người dùng toàn thị trường. Nhóm nền tảng phục vụ mạng xã hội được người dùng ưa thích nhất hiện nay với số lượng tài khoản hoạt động thường xuyên trên nền tảng đứng đầu của Việt Nam ước đạt 75 triệu người dùng thường xuyên/ tháng (tăng gần 8 triệu lượt so với cùng kỳ năm trước); đứng thứ hai là nhóm nền tảng phục vụ thương mại điện tử với 3 nền tảng đứng đầu có số lượng bình quân người dùng thường xuyên trên 40 triệu người dùng/tháng (tăng 43% so với cùng kỳ năm trước); thứ ba là nhóm nền tảng phục vụ thanh toán số với số lượng người dùng trung bình của 3 nền tảng đứng đầu thuộc nhóm này ước tính khoảng 14 triệu người dùng/lượt (tăng 24% so với cùng kỳ năm trước). Về Đô thị thông minh: 37/63 địa phương đã ban hành Đề án, Kế hoạch phát triển đô thị thông minh và bước đầu cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp. 23/63 địa phương đã ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh. 48/63 địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh bao gồm cả triển khai chính thức bằng ngân sách nhà nước và thử nghiệm, thí điểm bằng chi phí của doanh nghiệp./. Theo tcnn.vn
Hội nghị Phát động Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024