Hưởng ứng tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (15.4-15.5.): Tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

Rau quả còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; dư lượng kháng sinh trong thịt cá; hoa quả nhập lậu tẩm ướp hóa chất độc hại, thịt bò bị bơm nước… chỉ là vài trong số những thông tin về thực phẩm thiếu an toàn đã và đang tiếp tục gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng. Hưởng ứng tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề này càng thu hút sự quan tâm của mọi người.

 Số cơ sở thực phẩm được thanh tra, kiểm tra tăng gần 50%

            Trong tổng số hơn 7 nghìn cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, chỉ khoảng 5% là doanh nghiệp, còn lại là các cơ sở chế biến thực phẩm mang tính hộ gia đình với hình thức sản xuất thủ công, thô sơ. Mỗi ngày các cơ sở này cung cấp hàng trăm tấn thực phẩm các loại cho thị trường trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vì vậy càng quan trọng và nặng nề.

            Trong nỗ lực tăng cường các hoạt động nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2010, hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng, với tổng số trên 5000 cơ sở chế biến sản xuất kinh doanh, thực phẩm được thanh tra, kiểm tra, tăng gần 50% so với năm 2009. Trong đó, tuyến tỉnh tổ chức các đoàn liên ngành đi kiểm tra, thanh tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vào các dịp "cao điểm" như: Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm... Kết quả, qua thanh tra, kiểm tra hơn 250 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, phát hiện gần 20% số cơ sở vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, 5 cơ sở bị phạt tiền, 4 cơ sở bị đình chỉ lưu hành sản phẩm. Các đoàn tổ chức tiêu hủy 22 sản phẩm đã hết hạn sử dụng; 28 sản phẩm vi phạm về nhãn mác; 39 kg giò chả chứa hàn the và 5 kg chất phụ gia thực phẩm quá hạn… Trên 500 đoàn kiểm tra tuyến huyện, xã đã kiểm tra gần 5 nghìn cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, qua đó phát hiện gần 30% cơ sở có vi phạm quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các vi phạm phổ biến là: không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm; không lưu mẫu hoặc lưu mẫu không đúng quy định; không tập huấn khám sức khoẻ định kỳ cho người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm; thịt gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch; môi trường chế biến, kinh doanh không bảo đảm vệ sinh theo quy định; sử dụng thực phẩm có chất phụ gia bị cấm; thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Nhằm tăng cường giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm, trong năm Chi cục VSATTP đã lấy trên 500 mẫu thực phẩm để xét nghiệm, qua đó phát hiện 26,4% số mẫu không đạt yêu cầu.

Năm 2010, toàn tỉnh có trên 150 sản phẩm được cấp mới và gia hạn chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, gần 250 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nguy cơ cao được cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế HACCP và ISO 9000.. Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, 55 lớp tuyên truyền trực tiếp về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được tổ chức cho trên 3 nghìn người sản xuất, chế biến, kinh doanh và các nhà quản lý. 50 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức luật pháp về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý của các xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố, người trực tiếp tham gia chế biến, kinh doanh thực phẩm đã được tổ chức. Ngoài ra, hàng trăm buổi nói chuyện, hội thảo, tập huấn khác… đã được tổ chức thu hút hàng chục nghìn lượt người tham dự.

            Tăng cường công tác cảnh báo thực phẩm không an toàn

Tuy nhiên, nhiều năm nay, các ngành hữu quan vẫn "nợ" người tiêu dùng câu hỏi: Đâu là thực phẩm an toàn, không có phụ gia độc hại? Để chọn được thực phẩm an toàn, trong một “rừng” thực phẩm, người dân được khuyên: Hãy là người tiêu dùng thông thái! Thực tế, người tiêu dùng không thể biết được thực phẩm mình sử dụng có hoá chất độc hại không, bởi hầu hết các hoá chất đó thường phải qua các xét nghiệm kiểm tra mới phát hiện được. Bởi vậy, bây giờ dùng thực phẩm gì người mua cũng lo lắng, băn khoăn nghi vấn về hoá chất, độc tố ẩn chứa trong đó. Đi ăn hàng, ăn quán, người ta cũng xì xào món này tẩm hoá chất, món kia chứa chất độc hại. Rồi cả mâm cơm ở nhà mà xét một cách “tỉ mỉ” thì cũng không "thoát" khỏi độc hại. Theo kết quả giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiến hành năm 2010, 42% số mẫu giò chả trong tổng số 71 mẫu giò, chả được lấy trên địa bàn tỉnh để kiểm tra phát hiện có hàn the. Qua kiểm tra 92 mẫu bánh truyền thống như: bánh tẻ, bánh đúc... Chi cục cũng phát hiện 10% số mẫu chứa hàn the, chất phụ gia độc hại đã bị cấm sử dụng trong thực phẩm.

            Năm 2010, 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn xảy ra khiến 149 người phải nhập viện cấp cứu đã gióng thêm những "hồi chuông" cảnh báo nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, 1 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn xảy ra sau bữa ăn ca của công nhân tại khu công nghiệp trên địa bàn huyện Văn Lâm, 1 vụ ngộ độc tại đám hiếu ở xã Lạc Đạo (Văn Lâm). Đáng nói là, con số trên chỉ gồm những nạn nhân bị ngộ độc cấp tính được phát hiện. Điều đáng lo ngại hơn còn là dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản… theo thời gian sẽ tích luỹ “ngầm” trong cơ thể gây ra nhiều căn bệnh hiểm nghèo cho người tiêu dùng…

Thực tế, công tác bảo đảm VSATTP hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Việc bảo đảm VSATTP hiện nay hầu như mới "tóm" phần “ngọn”. Việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào chưa chặt chẽ từ khâu nuôi trồng, chế biến, bảo quản. Chỉ tính riêng rau an toàn, đến thời điểm này vẫn chưa có địa phương nào thực sự quản lý được việc sản xuất rau an toàn. Việc sử dụng thuốc thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật trong các sản phẩm nông nghiệp lại càng chưa được kiểm soát có hệ thống. Không những thế, trên địa bàn tỉnh lại chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đúng quy cách. Bản thân thực phẩm bày bán trên thị trường chưa được quản lý chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh do đó  sẽ có nhiều nguy cơ gây ngộ độc.

Trong các “đợt cao điểm” như: Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong tỉnh lại rầm rộ “ra quân” “đến hẹn” lại … đi thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh chế biến sản xuất thực phẩm. Việc xử phạt các vi phạm cũng còn rất hạn chế… Mặt khác, tuyến xã, phường, thị trấn hầu như không triển khai kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả. Nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại tuyến huyện, xã vừa thiếu về số lượng, lại yếu về chất lượng và hầu hết chưa được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm... Vì thế, để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đòi hỏi những biện pháp đồng bộ, triệt để, kịp thời chấn chỉnh những trường hợp vi phạm, cảnh báo kịp thời những thực phẩm không an toàn.

baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
6 người đang online