Hội nghị chuyên đề về thực hiện Chương trình phát triển đô thị huyện Văn Lâm, kế hoạch phát triển trong thời gian tới; Kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Sáng 21/9/2023, Huyện uỷ Văn Lâm tổ chức hội nghị chuyên đề về thực hiện Chương trình phát triển đô thị huyện Văn Lâm, kế hoạch phát triển trong thời gian tới; Kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Bật Khánh - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Phạm Văn Cường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Trần Chu Đức - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy; Trưởng một số phòng, ngành của huyện; Văn phòng HĐND-UBND huyện; Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.

Tại Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 12/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXV về Chương trình phát triển đô thị Văn Lâm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, định hướng tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bền vững, đồng bộ tiêu chí đô thị; hướng tới xây dựng huyện Văn Lâm đạt tiêu chuẩn đô thị loại III gồm thị trấn Như Quỳnh và các xã: Tân Quang, Trưng Trắc, Đình Dù, Lạc Hồng, Lạc Đạo, Chỉ Đạo, Minh Hải. Xây dựng khu vực xã Đại Đồng đạt tiêu chuẩn đô thị loại V (tương đương tỷ lệ hóa đô thị theo đơn vị hành chính đạt 9/11 xã, thị trấn, đạt 81,82%).

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 05/7/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình pháp triển đô thị tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1895/QĐ-UBND ngày 22/8/2022, Quyết định số 2609/QĐ-UBND ngày 09/11/2022 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt Chương trình, Kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu, định hướng phát triển đô thị Văn Lâm gồm:

  Giai đoạn 2021 - 2025: Nâng cao chất lượng đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng khung, thực hiện các dự án động lực; hoàn thành việc công nhận huyện Văn Lâm đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, khu vực trung tâm huyện cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại III trước năm 2025 (tương đương tỷ lệ hóa đô thị theo đơn vị hành chính đạt 11/11 xã, thị trấn, đạt 100%).

Giai đoạn 2025 - 2030: Tiếp tục phát triển đô thị trên địa bàn toàn huyện theo quy hoạch, hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng đô thị theo tiêu chí đô thị loại III đối với các tiêu chí còn thiếu, yếu và công nhận huyện Văn Lâm đạt tiêu chuẩn đô thị loại III trước năm 2030. Xây dựng huyện Văn Lâm thành thị xã trước năm 2030.

  Đến nay, tại Kết luận số 671-KT/TU ngày 31/5/2023 của Tỉnh ủy Hưng Yên về điều chỉnh phương án Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng: Đến năm 2030 xây dựng huyện Văn Lâm thành thành phố Văn Lâm (tương đương tỷ lệ hóa đô thị theo đơn vị hành chính đạt 11/11 xã, thị trấn, đạt 100%); Đến năm 2050 xây dựng thành phố Văn Lâm thành quận Văn Lâm. Qua đó cho thấy mục tiêu phát triển đô thị của huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 liên tục thay đổi. Do vậy, Văn Lâm sẽ phải phát triển theo mức độ cao hơn.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình phát triển đô thị Văn Lâm 8 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch thực hiện trong thời gian tới; Báo cáo kế hoạch phát triển Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện Văn Lâm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Từ năm 2021 đến nay, huyện đầu tư khoảng 133,52 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông vận tải, nhất là những tuyến đường trọng điểm, đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2023, UBND huyện, UBND các xã, thị trấn làm chủ đầu tư 37 công trình giao thông, với tổng mức đầu tư gần 102 tỷ đồng; hoàn thành 16 công trình đưa vào sử dụng; thực hiện công tác GPMB đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn huyện. Đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế; công viên cây xanh, điện chiếu sáng.v.v…

Đối với phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhiều dự án công nghiệp đã và đang triển khai có tác động lớn đến tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa của huyện. Hiện huyện có 01 khu công nghiệp tập trung là Khu công nghiệp Phố Nối A 10 Cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch và một số khu sản xuất tập trung góp phần thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, hàng chục nghìn lao động đến làm việc trên địa bàn.

Trên địa bàn huyện có 08 làng nghề và làng có nghề với tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đang hoạt động là hơn 7 nghìn 700 cơ sở, tạo việc làm cho hơn 15 nghìn lao động trong và ngoài huyện.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,19%,  trong đó: Công nghiệp, xây dựng là 9,25%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng chiếm 80,20% (phấn đấu đến năm 2025 đạt 80,85% để đảm bảo mục tiêu Kế hoạch đề ra). Thu nhập bình quân trên địa bàn huyện năm 2023 ước đạt 80,62 triệu đồng/người/năm (so với năm 2021: đạt 75,52 triệu đồng)....

Cũng tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về các vấn đề: sự cần thiết, đồng bộ của các quy hoạch (xây dựng, đất đai…); các giải pháp phát triển đô thị; công tác quản lý trật tự đô thị; quản lý nhà nước về PCCC và trật tự trị an trên địa bàn; đề nghị cần có quy chế, cơ chế phối hợp trong quản lý các khu, cụm công nghiệp, quan tâm công tác đào tạo nghề cho nhân dân. UBND huyện, các phòng, ngành chuyên môn, các xã, thị trấn cần có kế hoạch cụ thể, sớm triển khai thực hiện để đạt được các tiêu chí phát triển đô thị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Bật Khánh - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện đề nghị UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tham mưu UBND huyện rà soát, đánh giá tính đồng bộ giữa các quy hoạch; Đẩy nhanh công tác GPMB để thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện; Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ các quy hoạch; đặc biệt là hoàn thiện các tiêu chí còn yếu, còn thiếu so với tiêu chí đô thị loại IV, III, như: Giao thông, chiếu sáng, môi trường, cảnh quan…  UBND các xã tập trung phối hợp trong công tác GPMB để thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trụ sở làm việc Công an cấp xã. Có kế hoạch phấn đấu xây dựng phát triển đô thị để cùng với huyện sớm hoàn thành Chương trình phát triển đô thị huyện Văn Lâm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đối với Kế hoạch phát triển Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện Văn Lâm giai đoạn 2021-2025, đồng chí đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương, định hướng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo về phát triển ngành công nghiệp trong Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, kế hoạch của UBND huyện; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vai trò của ngành công nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành trong kiểm tra và giám sát việc tổ chức triển khai phương án phát triển công nghiệp trong quy hoạch tỉnh đối với huyện Văn Lâm. Nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ quản lý ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp. Tập trung xây dựng và hoàn thiện phương án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong Quy hoạch, đảm bảo khoa học và chất lượng. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sau khi được hình thành, đưa vào khai thác.v.v…

Thanh Hà - Trung tâm VH&TT

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
115 người đang online