Hội Cựu chiến binh tỉnh: Tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình tiêu biểu tại huyện Văn Lâm

Ngày 14/8, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình tiêu biểu tại huyện Văn Lâm.

Tham gia đoàn tham quan có đại diện Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Cựu chiến binh tỉnh và gần 100 đồng chí trong Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ cựu chiến binh sản xuất kinh doanh trong tỉnh.

Đại biểu huyện Văn Lâm có đồng chí Phạm Văn Cường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy; lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện; lãnh đạo Câu lạc bộ sản xuất kinh doanh; các cựu chiến binh điển hình trong phát triển kinh tế các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Đoàn đã tham quan mô hình trồng hoa cúc chi tại xã Lương Tài. Đây là mô hình chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa sang trồng cây dược liệu cho thu nhập gấp từ 5 đến 6 lần trồng lúa của nhân dân và hội viên CCB xã Lương Tài, huyện Văn Lâm. Trong đó, riêng thôn Đông Trại có diện tích chuyển đổi lớn nhất là 5,7 ha, có 14 hộ gia đình tham gia chuyển đổi =3,5 ha. Điển hình là gia đình hội viên Khúc Chí Thanh, sinh năm 1953, hiện là chi hội phó chi hội CCB thôn Đông Trại. Sau 1 năm đầu chuyển đổi, gia đình thu hoạch, trừ chi phí (giống, vật tư, phân bón…) còn thu về trên 70 triệu đồng.

Đoàn tham quan mô hình hàng cây xà cừ của Hội Cựu chiến binh xã Việt Hưng. Đây là mô hình Hưởng ứng và thực hiện Đề án của Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Hội CCB huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa văn bản chỉ đạo của Hội CCB tỉnh. Kết quả đến tháng 7/2023, Hội CCB huyện Văn Lâm đã trồng mới được 5 hàng cây với 248 cây các loại trị giá 57,55 triệu đồng và nhận chăm sóc 04 hàng cây CCB quản lý.

Đoàn cũng tham quan mô hình chế tác kinh doanh đồ đồng của hội viên Dương Văn Tiến ở xã Đại Đồng. Năm 1990, vợ chồng ông Tiến mở cơ sở gia công chế tác các sản phẩm đồ đồng kỹ nghệ, với diện tích 550m2. Sản phẩm lúc đầu được tiêu thụ thông qua các thương lái nên hiệu quả kinh doanh còn hạn chế. Năm 2018, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư để xây dựng, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đến nay, xưởng chế tác đồ đồng của gia đình ông thường xuyên tăng khoảng 70% sản lượng các mặt hàng so với ban đầu; đồng thời, thu hút từ 8-10 lao động có việc làm thường xuyên với mức lương bình quân 8.000.000 đồng/người/tháng. Doanh thu hàng năm của hộ gia đình ông Tiến khoảng 5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí cho thu lãi 500 triệu đồng/năm.

 Mô hình sản xuất, kinh doanh của hội viên Nguyễn Huy Đua, Giám đốc công ty TNHH nhựa Đại Kim tại thị trấn Như Quỳnh Văn Lâm, chuyên sản xuất kinh doanh màng phủ, túi nhựa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nhập ngũ năm 1979, đến năm 1983 đồng chí Đua xuất ngũ trở về địa phương. Với ý chí quyết tâm, nghị lực của một người lính, không ngại khó khăn vất vả, đồng chí và gia đình mở cơ sở thu mua phế liệu để cải thiện cuộc sống. Năm 2003, đồng chí thành lập công ty TNHH Đại Kim, chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng về nhựa với quy mô 1.000 m2. Năm 2015, tiếp tục đầu tư 30 tỷ đồng mở rộng nhà xưởng. Hiện nay công ty có 50 cán bộ, công nhân làm việc, trong đó có 10 con em CCB, CQN, mức lương bình quân 8.000.000 đồng/người/tháng.

Trên đây là những mô hình tiêu biểu, có tính khả thi cao, có thể áp dụng rộng rãi trong tỉnh, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho đông đảo lao động tại địa phương.

Tại buổi tham quan, đoàn đã dành nhiều thời gian giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giúp Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ cựu chiến binh trong tỉnh có định hướng, kinh nghiệm để đầu tư, áp dụng cho thành viên trong câu lạc bộ, tạo việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập cho hội viên.

Thanh Hà - Trung tâm VH&TT

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
97 người đang online