25/04/2017 | lượt xem: 47 Giới thiệu về xã Trưng Trắc Nét độc đáo của 2 miền quê ở Hưng Yên nổi tiếng xa gần nhờ nghề trồng lá dong chắc hẳn không lẫn với bất cứ ngôi làng Việt nào: Lá dong dưới tán cây sấu ở Tuấn Dị, xã Trưng Trắc (huyện Văn Lâm) và lá dong dưới tán cây nhãn ở Quảng Châu (thành phố Hưng Yên). Hàng năm khi tết đến, người dân Tuấn Dị, Quảng Châu lại hồ hởi hái lá ra tiền... Thu hoạch lá dong ở Tuấn Dị Lá dong ở 2 địa phương này được gọi là lá dong nếp, phiến lá dài và rộng, mỏng mà dai, màu xanh ngăn ngắt, nuột nà. Bánh gói bằng loại lá này, khi luộc chín, có màu xanh tự nhiên, vừa đẹp mắt lại thơm bùi đặc trưng, mà bánh gói lá dong rừng không thể sánh được. Cũng có tết, lá dong chất đống vì ế. Nhưng đó là chuyện của lá dong rừng. Lá dong ở hai vùng quê này chưa bao giờ lo ế. Cứ 29 tết, các vườn dong trong làng đều được cắt hết nhẵn. Không khí nhộn nhịp “ăn lá dong, ngủ lá dong” ở hai vùng quê lá dong bắt đầu từ rằm tháng chạp cho đến tận 30 Tết. Bởi thế, năm nào người dân trồng lá dong cũng ăn Tết muộn sau các nơi khác. Từ đầu tháng củ mật về Quảng Châu, những vườn lá dong cao hai, ba mét ngất ngưởng dưới những vòm nhãn đã sẵn sàng phục vụ tết. Lá nào, lá nấy xanh ngăn ngắt, tăm tắp vươn lên khiến người lần đầu về đây cảm thấy xốn xang như đang trong ngày 30 tết. Các cụ cao niên kể rằng, khi còn là trẻ để chỏm đã thấy lá dong mọc bát ngát ở quê mình. Tập quán sinh trưởng ưa bóng râm của cây dong trở thành nét độc đáo “trên nhãn, dưới dong” khi nhắc tới Quảng Châu. Ông Dương Hữu Ất, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Châu cho biết: Hiện nay, Quảng Châu có khoảng hơn 20 ha trồng cây lá dong, tập trung nhiều ở thôn 1 và thôn 3. Đây là cây trồng phụ nhưng mang về thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Mỗi sào trồng lá dong, một năm cho thu trên dưới 10 triệu đồng, vào vụ Tết nếu được mùa có thể thu ngót 20 triệu đồng. Sự ngẫu nhiên khiến hai vùng quê lá dong ở Hưng Yên cách nhau ngót bằng chiều dài của tỉnh, một ở phía nam - Quảng Châu, một ở phía bắc - Tuấn Dị. Làng Tuấn Dị còn là một trong những vùng trồng lá dong lớn ở miền Bắc, với những vườn lá dong xanh bạt ngàn, chỉ cách Hà Nội chưa đầy 20 cây số. Ông Khương Văn Khoái, Trưởng thôn Tuấn Dị cho biết: Cây lá dong đã gắn bó với người dân Tuấn Dị gần trăm năm nay. Hiện làng có trên 500 hộ dân thì khoảng 300 hộ làm nghề trồng lá dong, với tổng diện tích gần 6ha. Chúng tôi về Tuấn Dị khi những những vườn lá dong đang phơi phới thì con gái, căng mình chờ tết. Cây sấu ở Tuấn Dị phổ biến như cây nhãn ở Quảng Châu. Bởi vậy, những ngày đầu tháng củ mật về đây nhìn ngược, nhìn xuôi, đầu làng ngang xóm chỗ nào cũng rợp màu xanh “trên sấu, dưới dong”. Người lạ lỡ lạc vào vườn lá dong, có khi khó tìm lối ra vì cây cao ngút đầu người. Gia đình ông Khương Xuân Vinh ở Tuấn Dị có diện tích trồng lá dong lớn nhất làng, vụ thu hoạch Tết thường phải thuê thêm ngót chục lao động chỉ chuyên cắt và bó lá, kể rằng: “Để có lứa là dong tết đẹp, vườn dong phải được chăm sóc từ sau khi ăn tết trước. Thoạt đầu phải dọn sạch cuống để gốc dong chỉ còn cao 30-40 cm. Tiếp đó, phải thường xuyên cắt tỉa chân lá, dùng cuốc chim tiện đi những củ dong bệnh, dăm ba năm lại cuốc vườn trồng mới lứa khác và bồi thêm đất màu lên vườn dong..”. Chính vì sự công phu ấy mà nhiều nhà trồng lá dong nhưng không phải nhà nào cũng có lá to, đều, đẹp. Nghề trồng lá dong là nghề truyền thống, mang về nguồn thu nhập chính của người dân Tuấn Dị. Cây lá dong cho thu hoạch quanh năm, vụ chính là Tết Nguyên đán. Tất nhiên, mọi sự nâng niu, chăm chút người dân dành cho lá dong vụ Tết. Ngày thường, lá dong được cắt bán phục vụ gói xôi, gói bánh nếp, bánh răng bừa... được các thương lái về tận vườn thu mua. Ở Quảng Châu còn có chợ lá dong. Chợ họp rất sớm lúc mới 3h sáng và tan cũng rất sớm, 5h sáng là nhường không gian cho các loại hàng hóa khác. Riêng ngày tết, bắt đầu từ ngày ông công ông táo về trời, chợ lá dong họp cả ngày. Lá dong ngày tết thường đắt gập đôi ba ngày thường, thậm chí giá có thể cao gấp hàng chục lần. Đặc biệt những ngày 29-30 tết là thời điểm hy hữu mà lá dong hay có diễn biến “nóng”, “lạnh” đột ngột, hoặc đắt khét, hoặc rẻ bèo. Người trồng cũng vì vậy mà có thể trúng to hay chỉ vừa vặn sắm tết... Vài năm gần đây, khi nhiều nhà không còn giữ phong tục nổi lửa nấu bánh chưng tết nữa, nhu cầu lá dong ít đi, vườn lá dong của Quảng Châu bị thu hẹp đến non nửa. Nhiều người bởi vậy vẫn tiếc nhớ cái thời, tiền bán lá dong mỗi vụ tết có thể thu về đôi cây vàng. Đủ để sắm một cái tên tinh tươm và dành dụm trong năm… Bây giờ, cao điểm mùa lá dong cho Tết nguyên Đán thường bắt đầu từ ngày 20 tết, đường làng Tuấn Dị, Quảng Châu nườm nượp ô tô, xe máy của thương lái ở Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam… tấp nập về chở lá đi. Người trồng dong thì hối hả thu hái, người không trồng thì tất tả đi cắt lá thuê, gom hàng. Từ nửa đêm, các nhà có lá dong bán đèn đóm bật sáng trưng, tíu tít người cắt lá, người xếp lá. Xóm làng tấp nập như trảy hội. Tiếng gọi nhau í ới, vang động. Từ rằm tháng chạp âm lịch, nỗi niềm lá dong đắt, rẻ, đẹp, xấu là chủ đề chính trong những câu chuyện của người dân vùng quê lá dong… Đặc biệt, lá dong Tuấn Dị không những nổi tiếng trong nước mà còn sang cả nước ngoài. Một vài hộ dân Tuấn Dị còn trở thành “đại gia” nhờ nhạy bén làm đầu mối thu gom "xuất ngoại" lá dong sang Nga, Đức và một số nước Đông Âu phục vụ bà con Việt kiều gói bánh Tết, với hàng chục nghìn lá mỗi vụ. Lá dong xuất ngoại được tuyển chọn kỹ càng, thu hoạch sớm từ trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng. Nếu lá dong bán ở trong nước cắt cuống dài, dấp no nước, đậy kín gió rồi để nơi râm mát thì lá dong xuất khẩu phải cắt sát cuống, cuộn chặt, bó tròn để đưa lên máy bay... Điều quan trọng là dù có bị bó buộc xoay vần, lại phiêu du qua nửa vòng trái đất nhưng khi lá dong Tuấn Dị “kết duyên” với gạo nếp, đỗ xanh, hòa quyện thành chiếc bánh chưng tết thơm bùi, xanh nao lòng… thì những người con xa xứ như được tiếp thêm hơi ấm, bớt nỗi bùi ngùi nhớ quê hương xứ sở… Chia tay vùng quê lá dong, chúng tôi cứ mường tượng trong gió thoảng mùi thơm của đậu xanh, hương nếp, lá dong gọi Tết về. Từ đây, những bó là dong quê theo những chuyến xe xuôi ngược được tỏa đi khắp nơi nơi, đem mùa xuân tới mọi nhà. baohungyen