12/04/2022 | lượt xem: 26 Đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển kinh tế thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 Chủ trương phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020 đã có những bước tiến đáng kể góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, từ dịch vụ cho tiêu dùng cá nhân đến dịch vụ sản xuất kinh doanh. Xác định đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng để phát huy nội lực phát triển kinh tế xã hội, do vậy huyện nhà đã có nhiều giải pháp phù hợp để khai thác và huy động mọi nguồn lực đầu tư nhằm tạo bước đột phá phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ. Giá trị thương mại dịch vụ tăng liên tục qua các năm, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 15,2%. Hàng hóa đưa ra thị trường phong phú, đa dạng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống. Công tác quản lý nhà nước về thương mại dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực; Hạ tầng thương mại nông thôn không ngừng phát triển.Từ năm 2016 đến nay thu hút thêm 163 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 25.000 tỷ đồng với diện tích 444,38 ha, khả năng đem lại doanh thu 50.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho khoảng 12.500 lao động. Cùng với đó các cơ sở hạ tầng phục vụ thực hiện các dịch vụ thương mại như: Đài viễn thông, bưu điện, các ngân hàng, quỹ tín dụng hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được mở rộng, mạng lưới y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hạ tầng nông thôn cũng không ngừng phát triển, chợ được bố trí ở các thôn, phố; toàn huyện có 5 siêu thị, 23 cửa hàng tự chọn kinh doanh tổng hợp, 17 cửa hàng bán lẻ xăng dầu được cấp phép hoạt động với đủ loại hàng hóa phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, chất lượng được đảm bảo. Điều này cho thấy sự phát triển khu vực nông thôn đã và đang làm thay đổi diện mạo của từng làng quê, thôn, phố. Đời sống nhân dân ngày càng khá giả hơn. Nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Lâm lần thứ 25, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và để triển khai hiệu quả "Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025", huyện nhà đã đề ra mục tiêu giải pháp thực hiện. Theo đó, các phân ngành thương mại, du lịch, tài chính, giao thông vận tải đóng góp tích cực hơn nữa vào phát triển kinh tế xã hội của huyện. Phát triển dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng cung ứng, phục vụ. Ưu tiên phát triển các dịch vụ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ khác. Đồng thời quan tâm phát triển các dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân; khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ cơ bản với chất lượng cao như: Thương mại, khách sạn, nhà hàng.v.v… Gắn kết các hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch, văn hóa, thúc đẩy tiêu dùng đảm bảo nguồn cung hàng hóa có chất lượng tốt, hàng hóa có thương hiệu của huyện, hàng hóa OCOP. Quan tâm khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và hình thành các doanh nghiệp lớn có hệ thống phân phối hiện đại, có vai trò dẫn dắt thị trường. Huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội và tiềm năng của huyện để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ mở rộng mạng lưới kinh doanh. Đồng thời đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Phát triển hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tổ chức tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia hội chợ, hội thảo. Ngoài ra cần nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng, làng nghề và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp khác trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng thương hiệu cho doanh ngiệp sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường. Thanh Huyền - Trung tâm VH&TT