Cơm nắm Lạc Đạo

Người Hà Nội từ lâu đã quen với tiếng rao cơm nắm muối vừng vào mỗi sáng sớm. Nhiều người ăn và nghiền thức quà quê ấy như day dứt một nỗi nhớ mơ hồ nào đó trong tiềm thức xưa cũ của quê nhà.

Là người Việt có ai xa lạ với cơm nắm muối vừng đâu. Thế nhưng cùng với quá trình đô thị hóa, ẩm thực phát triển đa dạng, nghề này cũng có phần mai một. Hiện nay, nếu hỏi bất kỳ người bán cơm nắm dạo nào ở Hà Nội thì cũng chỉ tìm được duy nhất một địa chỉ chuyên làm cơm nắm đó là xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên mà thôi.

Năm 1996, người khai sinh ra nghề cơm nắm ở Lạc Đạo là bà Nguyễn Thị Đảo bắt đầu truyền nghề lại cho vợ chồng người cháu cạnh nhà ở xóm Cầu. Lý do truyền lại nghề ban đầu đơn giản chỉ là: “Vì thấy thương và gia đình có chút họ hàng”.

 “Chồng giận bớt lời, cơm sôi bớt lửa” câu nói của người xưa quả thực sâu sắc. Không giống như nấu nồi cơm điện, khi nồi cơm củi trên bếp đã sôi mạnh thì người nấu phải bỏ bớt lửa để cơm sôi đều và không bị trào. Một nồi cơm được nấu khoảng 1 giờ, trong quá trình nấu không được đảo quá nhiều, vì càng đảo nhựa cơm càng ra và càng dễ cháy ở đáy nồi, hơn nữa cơm sẽ bị nát, làm sao đầu đũa chạm đáy nồi cùng lúc cạnh đũa phải khuấy gọn thành nồi để cơm không cháy ở thành, mà lớp xém ở đáy chỉ mỏng tang như lớp vỏ bánh mì vàng nhạt thì mới đạt yêu cầu. Nếu xém cả thành nồi thì chỉ lỗ vốn. Hộ nắm nhiều bắt tay làm từ nửa đêm, hộ hai ba trăm nắm cũng nổi lửa từ 1-2 giờ sáng. Cơm nắm đòi hỏi phải khéo tay, nhanh mắt. Ngoài phụ nữ, không có ông chồng nào nấu được. Gạo phải xát hai lần, mà phải là thứ gạo dẻo, trắng mịn như giống Q4, Q5. Trong ánh lửa bếp liếm đều đáy nồi, người phụ nữ vừa đảo cơm, vừa lường được độ quánh của hạt gạo mà chế nước liên tục. Khi những chiếc bong bóng li ti tí tách trên mặt nồi, chị đậy vung, quấn vòng quanh nồi một ụn rơm cho cơm chín đều.

Cơm ủ rơm nóng một tiếng rưỡi là chín dẻo nhưng không quánh, không nhão. Xới cơm ra nắm không dùng đũa cả mà dùng muôi. Một trăm muôi có lượng cơm giống cả trăm; mỗi muôi cỡ 2 lạng, nắm nào cũng tròn như bánh dẻo Trung thu, dày 1cm. Công đoạn sau khi cơm mang ra khỏi bếp là công đoạn nắm cơm. Để nắm cơm được tròn, mịn và săn, ngon thì người nắm phải chắc tay, day đều. Cơm nắm xong nóng hôi hổi, phải hóng quạt cho nguội hẳn mới xếp vào những chiếc sảo tre, gói lá chuối hoặc bọc giấy sạch. Thường thường bà con nấu nồi nhôm 5-6 kg gạo được 90-100 nắm. Gặp ngày quá nóng, khi ra Hà Nội lại thay giấy một lần nữa nên không bao giờ nắm cơm bị "đổ mồ hôi", lúc nào cũng thơm cơm.

Hiện nay, cả hai làng Ngọc và làng Cầu có 6 đại lý làm cơm nắm lớn chưa kể những gia đình làm nhỏ lẻ khác Những năm trước, khi cơm nắm còn đang là món ăn sáng thời thượng của người Hà Nội, mỗi đêm mỗi hộ gia đình làm cả nghìn nắm. Bây giờ người ăn cơm nắm cũng giảm dần mà người làm và đưa cơm nắm trong xóm lại nhiều lên, do đó mỗi đêm chỉ còn làm 800 nắm đổ lại. 4 giờ sáng, người rao lẻ cơm nắm lên Hà Nội bắt đầu đến. Có người lấy 30 nắm, có người lấy 15 nắm tùy vào khả năng bán mỗi người. Hiện nay, mỗi ngày cơm nắm Lạc Đạo chuyển ra Hà Nội với một số lượng lớn lên tới xấp xỉ 5.000 nắm. Giao cho bà con làng xã chỉ 500 VND/nắm, ra Hà Nội đi bán dạo mỗi nắm 1.000 VND

Ít ai có thể nghĩ rằng, nhờ có những vắt cơm tần tảo đó đã mang lại một nghề mới cho làng Cầu, làng Ngọc vốn chỉ thuần nông bây giờ nổi bật với những ngôi nhà khang trang. Và cũng ít ai có thể nghĩ rằng cơm nắm muối vừng Lạc Đạo lại nổi tiếng đến như vậy. Món ăn này có mặt ở khắp mọi nơi, từ vỉa hè Hà Nội đông đúc chật chội, cổng trường chộn rộn buổi sớm cho đến những bàn tiệc mâm cao cỗ đầy. Và người Lạc Đạo đến nay vẫn truyền nhau câu chuyện hai bị cơm của cụ bà Nguyễn Thị Đảo - người khai sinh ra nghề cơm nắm đã giúp đời sống dân làng “ấm” lên.

doingoaihungyen.vn