THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

Hàng năm, các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động tại các khu công nghiệp Hưng Yên đóng góp vào ngân sách của tỉnh hàng triệu USD, ngoài ra đây còn là những doanh nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến, thu hút và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương. Với những lợi thế về vị trí địa lý, đất đai và nguồn nhân lực, việc tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần không nhỏ thúc đẩy công nghiệp Hưng Yên phát triển trong thời gian tới.

Công ty TNHH Nikkiso là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản đang hoạt động tại Khu công nghiệp Thăng Long II (thuộc Khu công nghiệp Phố Nối B). Với đặc thù là sản xuất một bộ phận của cánh máy bay Bo-ing 777 theo đơn đặt hàng của các nhà sản xuất tại Hoa Kỳ, đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề cao của người lao động song công ty đã dành thời gian tuyển dụng và đào tạo trên 80% người lao động Hưng Yên vào làm việc. Trao đổi với ông Osamu Igarashi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nikkiso chúng tôi được biết, doanh nghiệp chọn đầu tư tại Khu công nghiệp Thăng Long II của Hưng Yên không chỉ bởi địa phương có nguồn lao động dồi dào mà còn bởi vị trí địa lý thuận lợi cho việc xuất- nhập nguyên vật liệu và sản phẩm của công ty. “Khi đầu tư tại Hưng Yên, Nikkiso đã nhận được sự tạo điều kiện của các ngành, các cấp có thẩm quyền cũng như có được môi trường sản xuất thuận lợi. Tuy nhiên khó khăn của chúng tôi là khi tuyển dụng lao động tại tỉnh phải mất thêm thời gian đào tạo tay nghề, chúng tôi cũng chưa thực sự yên tâm về việc ổn định lao động trong doanh nghiệp”, ông Osamu Igarashi chia sẻ. Một số nhà đầu tư nước ngoài khác lại cho rằng hạ tâng kỹ thuật xã hội tại các khu công nghiệp trong tỉnh còn nhiều hạn chế, việc đầu tư xây dựng mất nhiều thời gian, chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp tỉnh.
Làm việc với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên chúng tôi được biết, tỉnh Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng 13 khu công nghiệp, trong đó có 3 khu đã xây dựng cơ sở hạ tầng và đi vào hoạt động là Khu công nghiệp Phố Nối A, Khu công nghiệp Phố Nối B bao gồm Khu công nghiệp dệt may Phố Nối và Khu công nghiệp Thăng Long II. Ngoài ra còn có một số khu công nghiệp tuy chưa xây dựng cơ sở hạ tầng như đã có doanh nghiệp hoạt động như: Khu công nghiệp Minh Đức, Khu công nghiệp sạch Kim Động… Các khu công nghiệp này đã thu hút 164 dự án trong đó 77 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 985 triệu USD. Các doanh nghiệp FDI đầu tư trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chế tạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, may mặc… Những doanh nghiệp này khi đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động (trong đó lao động là người Hưng Yên chiếm khoảng 70%) và đóng góp vào ngân sách tỉnh năm 2010 khoảng 8, 5 triệu USD. Từ đầu năm 2011 đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút mới 4 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 47,65 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 4 dự án, số vốn điều chỉnh tăng thêm là 36,48 triệu USD.
Có được những kết quả này, thời gian qua, Ban quản lý các khu công nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng và các địa phương có những biện pháp cụ thể trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay, một số khu công nghiệp trong tỉnh vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nên việc đẩy mạnh hỗ trợ và thúc đẩy các công ty phát triển hạ tầng thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng, sớm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo mặt bằng là yếu tố quan trọng để thu hút dự án đầu tư. Bên cạnh đó là việc tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; thực hiện công khai các thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan và các phòng chuyên môn. Qua đó đã giảm đáng kể thời gian, thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các quy định của Nhà nước. 100% các dự án đầu tư vào khu công nghiệp đều được làm đúng và sớm hơn thời gian quy định, trong đó trên 50% thủ tục hành chính được giải quyết bằng 50% thời gian quy định. Đơn cử như việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp FDI trước đây kéo dài 15 ngày thì nay chỉ còn từ 7- 10 ngày. Các quy trình cơ bản như: tìm hiểu môi trường đầu tư, thỏa thuận thuê mặt bằng, xin giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, các thủ tục về bảo vệ môi trường… đều được Ban quản lý các khu công nghiệp và các sở, ngành liên quan như: Công thương, Kế hoạch và đầu tư tạo điều kiện thuận lợi. Tỉnh cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư vào các khu công nghiệp như: miễn giảm thuế nhập khẩu, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Điều này đã tạo nên thiện cảm rất lớn cho các nhà đầu tư, được nhiều nhà đầu tư ở các quốc gia “khó tính” như: Nhật Bản, Hàn Quốc… đánh giá cao.
Ông Phạm Thái Sơn, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết: “Khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung vẫn là việc giải phóng mặt bằng chậm, trở thành rào cản trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng tới tiến độ các dự án. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng xã hội tại các khu công nghiệp còn thiếu, nhất là lĩnh vực nhà ở cho người lao động, gây tâm lý e ngại cho nhà đầu tư về tình trạng người lao động nhảy việc, bỏ việc”. Không ít nhà đầu tư tại Hưng Yên cho rằng, trình độ người lao động trong tỉnh còn chưa đồng đều, nhiều hạn chế về tay nghề. Nên mặc dù doanh nghiệp muốn sử dụng người lao động địa phương song do trình độ tay nghề không đáp ứng nên đành phải tuyển dụng ở các địa phương lân cận. Một số doanh nghiệp khác khi sử dụng lao động lại mất thời gian đào tạo, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ sản xuất, gây rủi ro cho doanh nghiệp khi thiếu hụt lao động.
Để tạo môi trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh cũng cần phát huy các lợi thế về nguồn nhân lực, vị trí địa lý, giao thông đường bộ đồng thời sớm khắc phục các điểm yếu về cơ sở hạ tầng, có biện pháp thúc đẩy hơn nữa việc đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp như: phát triển khu đô thị Phố Nối; huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển các khu nhà ở cho người lao động trong các khu công nghiệp bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, phục vụ đầy đủ nhu cầu sinh hoạt văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần và phúc lợi xã hội cho của người lao động; đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị đại học, kêu gọi và thu hút các trường đại học trong và ngoài nước mở cơ sở đào tạo tại Hưng Yên để từng bước tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn.

Hungyen.gov.vn