Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024
Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang

Thăm khu di tích đền Ghênh

Đăng ngày 30 - 07 - 2015

Đến thăm đền Ghênh tại thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm), du khách thập phương được về với nơi lưu dấu ấn lịch sử của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, một người phụ nữ tài, đức vẹn toàn, một bậc mẫu nghi thiên hạ đã suốt đời vì dân, vì nước.

 

Theo sử sách ghi lại, đền Ghênh có từ thời nhà Lý, thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và tương truyền rằng, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan có tên thường gọi là Lê Thị Khiết, sinh năm 1044, quê ở làng Ghênh Sủi, thuộc hương Thổ Lỗi (nay là thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh). Năm ấy, vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi vẫn chưa có con trai, thường đi tới các chùa, quán để cầu tự. Vua đi đến đâu con trai, con gái nô nức đổ ra xem, duy có một người con gái ở hương Thổ Lỗi đang hái dâu, cứ đứng nguyên chỗ, tựa mình vào bụi lan. Vua thấy nàng xinh đẹp, cho đưa vào cung, phong tước phi và đổi tên cho là Ỷ Lan. Khi đó bà ở độ tuổi 18. Ỷ Lan vừa có nhan sắc, lại thông minh, trí tuệ và sinh được con trai nối dõi nên được vua yêu mến phong làm thần phi, sau được gọi là nguyên phi. 
Cổng vào Đền Nghênh hôm nay
Cổng vào Đền Ghênh hôm nay
Hoàng Thái hậu Ỷ Lan là một phụ nữ đức hạnh, tài, sắc vẹn toàn, tên tuổi và cuộc đời của bà gắn liền với sự nghiệp của vua Lý Thánh Tông – chồng bà và vua Lý Nhân Tông – con trai của bà. Bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam nắm quốc quyền, hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước. Với trọng trách nhiếp chính, bà đã cùng với các danh thần, lương tướng trong đó có Thái úy Lý Thường Kiệt đưa ra nhiều kế sách, giữ vững kỷ cương triều chính, đập tan âm mưu xâm lược của nhà Tống, giữ gìn non sông, gấm vóc Đại Việt. Bà còn quan tâm phát triển Phật giáo; đưa ca múa dân gian vào cung đình; đắp đê chống lụt, làm thủy lợi, khuyến khích phát triển nông nghiệp, ra sắc lệnh cấm giết trâu, bò cày kéo; phát triển nghề thủ công, nghề nuôi tằm, dệt vải… Bà đã góp công lớn xây dựng nhà Lý thành một quốc gia cường thịnh, giữ nước, yên dân bằng tấm gương sáng kết hợp cả pháp trị và đức trị. 
Năm 1115, khi ấy Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tuổi đã cao, bà về ở hẳn quê nhà và cho xây Thủy Lâu đài để bà tiếp khách triều đình, nghỉ ngơi và tu tại gia. Sau khi bà mất (ngày 25.7.1117 âm lịch), Thủy Lâu đài được sửa sang thành đền thờ bà, gọi là đền Ghênh. 
Đền Ghênh là một công trình kiến trúc mang phong cách triều đại nhà Lý, được xây theo kiểu “nội công ngoại quốc”, chia làm ba phần gồm có tiền tế, bái đường và hậu cung. Chính điện quay về hướng nam, nhìn xuống Tam giao thủy. Từ phía xa đã nhìn thấy tam quan của đền được xây dựng theo kiến trúc cổ. Đi vào trong sân đền có một phiến đá rất lớn để nhân dân đặt đồ tế lễ. Toàn bộ ba tòa ở đền được xây dựng trên nền cao có 9 bậc lên xuống bằng đá. Sau đền có hai giếng nước trong xanh quanh năm không bao giờ cạn, gọi là mắt rồng, trên bờ có hai cây đa cổ thụ lớn nhất vùng gọi là mi rồng... Đến thời vua Lê – chúa Trịnh (thế kỷ XVII), đền được quy hoạch, xây dựng lại rộng lớn và bề thế hơn với ngoài cùng là cổng Tam quan, tiếp đến là “Thần đạo” đặt Thạch Sàng làm nơi bày biện nghi lễ, qua các bậc dẫn lên toà Tiền bái/Tiền đường, qua ống muống đi vào Trung từ và trong cùng là Hậu cung đặt tượng thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. 
Những năm cuối thế kỷ XIX, dưới ánh sáng của phong trào Cần Vương, toàn dân tộc bước vào thời kỳ chống đô hộ của thực dân Pháp mà Hưng Yên là một vùng sục sôi khí thế với cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lừng danh do Nguyễn Thiện Thuật đứng đầu. Nhằm tiêu diệt phong trào, thực dân Pháp đã lùng sục tất cả làng mạc, thôn xóm và đền Ghênh bị phá hủy phần lớn. Tuy nhiên nơi đây vẫn là “địa chỉ đỏ” cho nhân dân địa phương đến chiêm bái và là nơi hoạt động phong trào Cần Vương của các sĩ phu yêu nước, các chiến sĩ cộng sản hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp xâm lược. Theo sử sách cũng như các cụ cao niên ở thôn Ngọc Quỳnh kể lại thì đền Ghênh không chỉ là nơi đóng quân của nghĩa quân Bãi Sậy mà còn là nơi mà các đội tự vệ của nhiều xã trong huyện Văn Lâm tổ chức mít tinh, tiến hành giành chính quyền về tay nhân dân vào năm 1945. Rất tiếc thời kỳ 1947 – 1954, đền Ghênh đã bị giặc Pháp phá hủy gần như hoàn toàn. Thời điểm đó nhân dân địa phương đã kịp thời chuyển pho tượng Hoàng Thái hậu và một số cổ vật gửi nhờ đền – chùa Dương Xá (Gia Lâm – Hà Nội).
Dù không còn đền, nhưng trong tâm thức người dân nơi đây thì Hoàng Thái hậu Ỷ Lan vẫn là một bậc mẫu nghi tôn kính. Vì vậy năm 1989, nhân dân trong vùng và khách thập phương đã hưng công dựng lại đền Ghênh trên nền đất cũ và rước pho tượng Đức Bà từ đền – chùa Dương Xá về an vị tại đền Ghênh để nhân dân địa phương và du khách bốn phương về thắp hương tưởng niệm một vị Hoàng Thái Hậu từng được mệnh danh là Quan thế âm tái thế. Với những giá trị vật thể và phi vật thể ẩn chứa trong lòng đền Ghênh, năm 1993, đền Ghênh được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 1999, ngôi đền được xây dựng lại có quy mô bề thế như hiện nay.
Cùng với những dấu tích và di vật gồm Thạch Sàng, pho tượng Hoàng Thái hậu, lọ lộc bình cổ, kính thiên đài, tấm bia đá ghi lại những năm xây dựng, trùng tu tôn tạo đền được nhân dân nơi đây lưu giữ, thì những di vật từ thời nhà Lý như: Chân tảng đá kê cột, tượng chim uyên ương, mảnh lá đề trang trí rồng; các dấu tích Thần đạo, cổng Sủi và các di vật thời nhà Trần, thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng… được Đoàn Thám sát Viện Khảo cổ học tìm thấy mới đây đã phần nào khẳng định công trình kiến trúc đền Ghênh được xây dựng từ thời nhà Lý, đúng như truyền thuyết còn lưu lại.
Phù điêu chim uyên ương được tìm thấy trong đợt thám sát vừa qua
Phù điêu chim uyên ương được tìm thấy trong đợt thám sát vừa qua
Từ thân thế, sự nghiệp, công lao đóng góp của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đối với đất nước được sử sách ghi lại và đã trở thành niềm tự hào chung cho nhân dân cả nước trong mọi thời đại. Mong muốn, ước nguyện bao đời nay của nhân dân huyện Văn Lâm và du khách thập phương là đền Ghênh sớm được quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo ngang tầm với công lao to lớn của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đối với đất nước. Cùng với những chứng tích lịch sử văn hóa vật thể, phi vật thể đang hiện hữu tại đền Ghênh và khu vực lân cận còn một số dấu tích cổ liên quan như: Móng cổng Sủi, giếng Dầu, bãi đá Từ Vũ, chùa Ông Sấm (xã Minh Hải)... đang đặt ra câu hỏi về giá trị lịch sử, văn hóa liên quan đến Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cần được giải đáp.
Từ những lý do trên, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ tổ chức nghiên cứu và hội thảo khoa học cấp quốc gia về "Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và khu di tích đền Ghênh" góp phần làm sáng tỏ hơn cuộc đời, thân thế, cùng với những công lao của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đối với triều Lý và vùng đất Văn Lâm. Đồng thời làm căn cứ lập quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử văn hóa  trong giai đoạn đổi mới hiện nay đối với những di tích lịch sử đã được nhiều thế hệ của nhân dân Văn Lâm trân trọng gìn giữ.

Tin mới nhất

Văn Lâm giao lưu thơ Mừng Đảng, Mừng xuân, Mừng ngày thơ Việt Nam(21/02/2024 2:38 CH)

Giao lưu thể dục dưỡng sinh người cao tuổi cụm thi đua số 2(18/09/2022 10:30 SA)

Lễ công bố Quyết định công nhận thôn Chùa đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021(17/09/2022 10:27 SA)

Văn Lâm: Liên hoan “Giai điệu tuổi hồng và Thiếu nhi kể chuyện” hè năm 2022(10/08/2022 4:04 CH)

Khai mạc Đại hội Thể dục thể thao xã Minh Hải lần thứ 3, năm 2022(29/05/2022 9:56 SA)

Khai mạc giải bóng đá công nhân viên chức lao động năm 2022(24/05/2022 9:58 SA)

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử huyện Văn Lâm
280 người đã bình chọn
°
152 người đang online